Sáng 28/12, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã tới dự hội nghị toàn quốc Chính phủ với 63 địa phương nhằm triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019. Đây là lần thứ hai ông tham dự cuộc họp của Chính phủ.
Hội nghị này cũng có sự tham dự của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng.
Điểm bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2018, lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh đến tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) cao nhất trong 10 năm qua, đạt 7,08%.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hơn 237,5 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm trước. Đáng chú ý, xuất siêu trên 7,2 tỷ USD, tăng cao nhất trong 3 năm gần đây. "Việt Nam có 2 năm vàng son tăng trưởng xuất khẩu", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận xét.
Hàng đầu từ trái qua: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đến dự phiên họp Chính phủ. Ảnh: Quang Hiếu/VGP |
Chất lượng tăng trưởng rõ nét, thể hiện qua tăng năng suất lao động; công nghiệp khai khoáng giảm gần 4%, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng hơn 12%.
"Chúng ta đang chứng kiến quyết tâm vươn ra biển lớn của khu vực kinh tế tư nhân với các doanh nghiệp lớn, đó là chưa kể số lượng hơn 131.000 doanh nghiệp thành lập mới năm nay", Thủ tướng nói.
Ngoài ra, theo lãnh đạo Chính phủ, trong năm qua cũng ghi nhận nhiều vụ án tham nhũng lớn đã được thanh tra, điều tra và đưa ra xét xử nghiêm minh.
Ông nhấn mạnh, trong năm 2019, các bộ ngành, địa phương cần tìm giải pháp mạnh mẽ khơi thông mọi nguồn lực phát triển, khắc phục những điểm trì trệ trong cải cách kinh tế; phương châm của Chính phủ năm tới là "kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bức phá".
"Chúng ta không thể đổ lỗi cho cơ chế chính sách, bởi chính sách do con người làm ra, vấn đề là ở tư duy, tầm nhìn và cách chúng ta thực hiện, quản lý", Thủ tướng nói.
Ông lưu ý, nhiều chỉ số của Việt Nam hiện bị thế giới đánh giá khá thấp như giải quyết thủ tục phá sản đang đứng thứ 133/190 quốc gia, nộp thuế 121/190 quốc gia, thương mại biên giới 100/190 quốc gia, bảo vệ nhà đầu tư 89/100 quốc gia...
Theo Thủ tướng, mô hình tăng trưởng của Việt Nam cần dựa nhiều hơn vào cải thiện năng suất lao động, kinh tế số; không chỉ tăng cường xây dựng hạ tầng cứng mà cả hạ tầng mềm... "Chúng ta không chỉ phát huy những tài nguyên sẵn có mà còn phải tạo ra cảm hứng phát triển và đóng góp của hơn 100 triệu người Việt cả trong và ngoài nước", ông nói thêm.
Hội nghị diễn ra đến chiều nay và Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ có bài phát biểu chỉ đạo.