Tổng Bí thư: Việt Nam luôn là đối tác tích cực, tin cậy và ủng hộ UNESCO

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Tổng Bí thư khẳng định Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, bài học thành công của Việt Nam cho các quốc gia; đóng góp tích cực, trách nhiệm cho sứ mệnh và công việc chung của UNESCO.
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp ông Lazare Eloundou Assomo, Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO). Ảnh: Phạm Kiên
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp ông Lazare Eloundou Assomo, Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO). Ảnh: Phạm Kiên

Sáng 20/5, tại Trụ sở Văn phòng Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có buổi tiếp ông Lazare Eloundou Assomo, Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO).

Tổng Bí thư Tô Lâm cảm ơn Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) thăm Việt Nam, luôn đồng hành và dành nhiều tâm huyết cho công cuộc bảo tồn và phát huy di sản tại Việt Nam.

Tổng Bí thư đề cao vai trò “Ngôi nhà trí tuệ của nhân loại” của UNESCO, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, duy trì hòa bình, an ninh và thúc đẩy phát triển bền vững trên thế giới; cảm ơn sự hỗ trợ và hợp tác UNESCO dành cho Việt Nam gần 50 năm qua trong phục hồi sau chiến tranh cũng như công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay.

72 danh hiệu UNESCO ở tất cả các tỉnh, thành của Việt Nam, trong đó có 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, được coi trọng, trở thành nguồn lực đáng kể cho phát triển kinh tế-xã hội bền vững của địa phương, nâng cao sinh kế của người dân, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, di sản dân tộc, đóng góp cho văn minh nhân loại.

Tổng Bí thư khẳng định Việt Nam luôn là đối tác tích cực, tin cậy và ủng hộ UNESCO, tiếp tục đóng góp hiệu quả trên cương vị là thành viên các cơ quan điều hành chủ chốt, trong đó bao gồm Ủy ban Di sản thế giới.

Tổng Bí thư nhấn mạnh Việt Nam đang nỗ lực không ngừng vươn tới kỷ nguyên phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc, trên cơ sở kết hợp phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Văn hóa là sức mạnh nội sinh, nền tảng tinh thần của xã hội, là nguồn lực, động lực phát triển bền vững đất nước. Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 đang được triển khai góp phần khơi thông nguồn lực cho bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa; xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, phát huy bản sắc dân tộc trong kỷ nguyên mới.

Tổng Bí thư nhấn mạnh Việt Nam sẽ tiếp tục hội nhập sâu, rộng vào nền chính trị thế giới, nền kinh tế toàn cầu, nền văn minh nhân loại, không ngừng phấn đấu, đóng góp nhiều hơn nữa duy trì hòa bình, ổn định, phát triển ở khu vực và trên thế giới. Theo đó, Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, bài học thành công của Việt Nam cho các quốc gia; đóng góp tích cực, trách nhiệm cho sứ mệnh và công việc chung của UNESCO.

Tổng Bí thư đề nghị UNESCO, Trung tâm Di sản Thế giới, đặc biệt là cá nhân Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới, tiếp tục đồng hành và hỗ trợ Việt Nam trong việc lan tỏa các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới, bảo tồn và phát huy các di sản thế giới tại Việt Nam. Trong đó, đề nghị tiếp tục ủng hộ, tư vấn để Hồ sơ phục dựng Điện Kính Thiên và không gian chính Điện Kính Thiên của di sản thế giới Hoàng Thành Thăng Long được UNESCO thông qua sớm nhất có thể.

Việc trả lại trục Hoàng Đạo hàng ngàn năm và dựng lại Điện Kính Thiên - nơi nhân dân cả nước có thể thực hiện các nghi lễ truyền thống, tái hiện lịch sử của dân tộc, khơi dậy sức mạnh hội tụ hàng nghìn năm và gắn kết cộng đồng trong kỷ nguyên mới của dân tộc - là việc hệ trọng của đất nước Việt Nam. Tổng Bí thư cũng đề nghị Trung tâm Di sản thế giới hỗ trợ xây dựng hồ sơ đề cử Khu Di tích Cổ Loa là di sản thế giới.

Tổng Bí thư cũng đề nghị ủng hộ ghi danh di sản thế giới đối với Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc tại Kỳ họp 47 của Ủy ban Di sản thế giới (Paris, tháng 7/2025). Đây là vùng đất Tổ của Thiền phái Trúc Lâm do Phật Hoàng Trần Nhân Tông sáng lập, thể hiện tư tưởng lớn về sự đoàn kết dân tộc, hòa hợp giữa các tín ngưỡng, tôn giáo, đề cao giá trị của bao dung, yêu chuộng hòa bình trong tâm trí con người, còn nguyên giá trị đến nay; có tầm quan trọng đặc biệt về giá trị tâm linh, văn hóa và lịch sử đối với người dân Việt Nam và thế giới.

Về phần mình, ông Lazare bày tỏ niềm vinh dự lớn lao khi được đến chào Tổng Bí thư Tô Lâm và xúc động được trở lại Việt Nam đúng vào dịp kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất.” Tư tưởng và di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân sinh động cho khát vọng hòa bình, đối thoại và lan tỏa các giá trị văn hóa phổ quát - những lý tưởng nền tảng mà UNESCO không ngừng vun đắp và theo đuổi.

Ông Lazare chuyển lời hỏi thăm và chúc mừng của Tổng Giám đốc UNESCO đến Tổng Bí thư, đánh giá cao kết quả chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Trụ sở UNESCO, góp phần nâng tầm quan hệ đối tác, thể hiện sự tin cậy chiến lược và tầm nhìn chung hai bên.

Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới nhấn mạnh Việt Nam là đối tác chiến lược quan trọng, tin cậy, tích cực, đóng góp hiệu quả, thực chất cho hợp tác UNESCO; là hình mẫu hợp tác giữa một quốc gia thành viên với Tổ chức; là điển hình trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Ông cho rằng Việt Nam có nhiều sáng kiến, mô hình hợp tác trong quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản thế giới cần được chia sẻ rộng rãi với các quốc gia thành viên khác.

Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới bày tỏ ấn tượng về sự phát triển năng động của Việt Nam, cũng như tầm nhìn và sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng thông qua những chiến lược, chính sách lớn của Việt Nam triển khai trong thời gian gần đây gắn với cải cách thể chế, thúc đẩy giáo dục, văn hóa, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực then chốt cho phát triển đất nước. Đây chính là nền tảng vững chắc để Việt Nam tiếp tục đóng góp có trách nhiệm vào các nỗ lực toàn cầu trong bảo tồn và lan tỏa các giá trị văn hóa nhân loại.

Ông Lazare đánh giá cao bề dày truyền thống lịch sử, chiều sâu văn hóa hàng ngàn năm của Việt Nam, chia sẻ tầm nhìn và định hướng chiến lược mà Tổng Bí thư Tô Lâm nêu, nhất là trong phát huy vai trò của văn hóa và di sản cho phát triển kinh tế-xã hội bền vững.

Ông cảm ơn và khẳng định ủng hộ các ý kiến của Tổng Bí thư Tô Lâm, khẳng định sẽ đồng hành, ủng hộ và tư vấn chuyên môn của UNESCO cho Việt Nam trong công tác bảo tồn, phát huy các di sản thế giới.

Trên cương vị Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới, ông cam kết sẽ nỗ lực hết sức để cùng Việt Nam quản lý, bảo tồn và phát huy 8 khu di sản thế giới của Việt Nam, đặc biệt là việc phục dựng Điện Kính Thiên và không gian chính Điện Kính Thiên của di sản thế giới Hoàng Thành Thăng Long; và ghi danh di sản thế giới mới trong thời gian tới như Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc; Thành Cổ Loa...

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng.
Việt Nam trở thành nước đối tác của nhóm BRICS
(Ngày Nay) - Việt Nam trở thành nước Đối tác Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) với mong muốn nỗ lực đóng góp, nâng cao tiếng nói và vai trò của các nước đang phát triển, thúc đẩy đoàn kết quốc tế, chủ nghĩa đa phương bao trùm, toàn diện trên tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế.
Ảnh minh hoạ.
"Kiềng ba chân" trong phát triển nhân lực chất lượng cao
(Ngày Nay) - "Giáo dục-khoa học công nghệ-đổi mới sáng tạo là ba trụ cột cần đột phá để phát triển nhanh và bền vững đất nước", Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh tại Hội nghị triển khai các đề án lớn trong lĩnh vực giáo dục đại học ngày 14/6 tại Hà Nội.
Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Phe bảo thủ đòi ông Trump "bỏ mặc" Israel
(Ngày Nay) - Những nhân vật cánh hữu chủ chốt, bao gồm một số đồng minh của Tổng thống Trump, đặt câu hỏi về các cuộc không kích của Israel và cảnh báo về một cuộc chiến tranh của Mỹ với Iran.
Xung đột Iran - Israel đe dọa nền kinh tế toàn cầu
Xung đột Iran - Israel đe dọa nền kinh tế toàn cầu
(Ngày Nay) - Căng thẳng leo thang tại Trung Đông đe dọa cắt đứt nguồn cung dầu và khí đốt, đẩy giá vận chuyển, hàng hóa, năng lượng lên cao, khiến thế giới đối mặt rủi ro suy thoái diện rộng.
Những mốc thời gian quan trọng tại Kết luận 167-KL/TW
Những mốc thời gian quan trọng tại Kết luận 167-KL/TW
(Ngày Nay) - Thay mặt Bộ Chính trị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư ký ban hành Kết luận số 167-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính.