TP HCM đã thay đổi chiến lược phòng chống dịch COVID-19 như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Để kéo số ca nhiễm đi ngang trên bản đồ và tiếp tục giảm trong tương lai, TP HCM đã thay đổi linh hoạt nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh kể từ nửa cuối tháng 7 cho đến nay.
Xét nghiệm cho người dân trên địa bàn quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: mattran.org.vn)
Xét nghiệm cho người dân trên địa bàn quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: mattran.org.vn)

Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, TP HCM đã phát hiện 108.000 trường hợp mắc COVID-19 mới. Thành phố cũng đã trải qua 66 ngày giãn cách với 6 lần nâng cấp độ chống dịch, tốc độ ghi nhận các ca nhiễm ở mỗi giai đoạn cao hơn nhiều so với trước đó.

Số ca nhiễm trung bình trong giai đoạn TP HCM bắt đầu áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 15 là 49 ca mỗi ngày. Hơn một tháng sau đó, khi thành phố áp dụng Chỉ thị 16, con số trung bình theo ngày ở mức gần 5.000 ca.

Theo TP HCM, một trong những lý do chính khiến số ca nhiễm tăng vọt là bởi dịch đã lan sâu rộng vào những nơi khả năng lây nhiễm rất cao. Bên cạnh đó, việc một số nơi không thực hiện nghiêm giãn cách cũng là một nguyên nhân chủ đạo. Nhiều người dân vẫn tìm cách ra đường không lý do chính đáng, trong các khu phong tỏa, mọi người vẫn giao lưu, tiếp xúc...

Ngày 26/7, thành phố quyết định thực hiện chiến lược chống dịch nghiêm ngặt, quyết liệt hơn, bằng cách siết chặt thêm Chỉ thị 16, "ai ở đâu ở yên đấy", không ra khỏi nhà sau 18h đến 6h sáng hôm sau. Thành phố cũng phát phiếu đi chợ, siêu thị mua hàng thiết yếu cho người dân mỗi tuần hai lần để hạn chế tập trung đông người.

TP HCM đã thay đổi chiến lược phòng chống dịch COVID-19 như thế nào? ảnh 1

Đường Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận vắng vẻ lúc 18h30 ngày 26/7. Ảnh: Thành Nguyễn.

Trong 1 tuần trở lại đây, số ca nhiễm theo ngày của TP khoảng hơn 4.000, có xu hướng đi ngang nhưng chưa thể kết luận có hay không TP HCM đã qua đỉnh dịch.

Để chuẩn bị cho chiến lược hạn chế tử vong, giữa tháng 7, TP HCM đã chuẩn bị nhân lực và trang thiết bị y tế để ưu tiên, tập trung điều trị cho các ca bệnh nặng, giảm tỷ lệ tử vong. Mô hình điều trị F0 từ "tháp 4 tầng" khi có 15.000 ca nhiễm được chuyển thành "tháp 5 tầng", với 38 cơ sở điều trị tổng cộng 46.000 giường bệnh, để chữa hơn 41.000 ca bệnh, hôm 22/7.

TP HCM đã thay đổi chiến lược phòng chống dịch COVID-19 như thế nào? ảnh 2
Điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM (Ảnh do bệnh viện cung cấp)

Ngành y tế tiếp tục mở rộng cơ sở điều trị như thực hiện bệnh viện tách đôi, có nơi đã tăng năng lực tiếp nhận cấp cứu lên 100%. Theo số liệu sáng 4/8, các bệnh viện TP HCM đang điều trị 33.444 F0, trong đó, 1.035 bệnh nhân nặng đang thở máy và 15 bệnh nhân can thiệp ECMO.

Thành phố cũng cho triển khai thực hiện cách ly F1, F0 tại nhà, qua đó góp phần giảm tải cho các khu cách, khu điều trị.

Bên cạnh đó, công tác xét nghiệm tầm soát đã có sự thay đổi từ chiến lược “bao vây” chuyển thành xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm, vì thế đã tăng hiệu quả phát hiện ca F0 mới. Thành phố tổ chức lấy mẫu xét nghiệm theo mức độ nguy cơ; chấn chỉnh quy trình lấy mẫu - gửi mẫu - trả kết quả xét nghiệm nên đã bảo đảm kết quả xét nghiệm được trả sớm nhất, tạo điều kiện cho công tác khoanh vùng, truy vết nhanh chóng, kịp thời.

TP HCM đã thay đổi chiến lược phòng chống dịch COVID-19 như thế nào? ảnh 3
Người dân quận Bình Tân (TPHCM) xếp hàng chờ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Ảnh: Tú Phúc

Để đạt miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất, TP HCM đã thay đổi chiến lược tiêm vaccine nhằm tăng độ phủ nhanh nhất. Ở đợt tiêm thứ 5, nhận thấy tiến độ những ngày đầu quá chậm, thành phố nâng tổng số đội tiêm lên 1.200, gấp đôi so với kế hoạch ban đầu, tổ chức nhiều đội tiêm lưu động, không giới hạn số người tiêm trong một buổi. Ngoài lực lượng y tế tuyến đầu, người cao tuổi và người có bệnh nền, tất cả người từ 18 tuổi trở lên cũng đang được tiêm vaccine.

TP HCM cũng tinh giản một số thủ tục trước và sau tiêm vaccine, như đơn giản khâu khám sàng lọc cho những người dưới 65 tuổi và không có bệnh nền; giảm thời gian theo dõi sau tiêm 30 phút xuống còn 15 phút với người khoẻ mạnh, không có bệnh nền.

Theo Phó chủ tịch UBND thành phố Dương Anh Đức, hiện khoảng 2 triệu người đã tiêm mũi một; 70.000 người tiêm mũi thứ hai. Thành phố đã kiến nghị Chính phủ cấp vaccine liên tục để tiêm thêm 5,5 triệu liều trong tháng 8.

TP Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 thêm 14 ngày kể từ 0h ngày 2/8 để siết chặt, kéo giảm số ca mắc, tập trung cho công tác điều trị người bệnh. Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho biết nếu xem cuộc chiến với đại dịch COVID-19 là cuộc chiến để bảo vệ sức khỏe và tính mạng con người thì những khó khăn gian khổ tạm thời sẽ là thử thách buộc thành phố phải vượt qua.

Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
(Ngày Nay) -  Đắk Lắk đang vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến số ca đột quỵ gia tăng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.