Cụ thể, UBND Thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận mở rộng thêm đối tượng cán bộ tuyến đầu được tiêm vaccine phòng COVID-19, đó là giáo viên, công chức, viên chức, người lao động đang làm việc tại các sở, ban, ngành Thành phố, công ty, doanh nghiệp.
UBND Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các sở, ban, ngành Thành phố, công ty, doanh nghiệp lập danh sách người đủ điều kiện tiêm mũi 4 phối hợp với UBND quận, huyện và thành phố Thủ Đức khẩn trương tiêm cho người lao động làm việc tại cơ quan, đơn vị.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, người dân cần phải tiêm nhắc vaccine vì kháng thể bảo vệ có được sau khi tiêm đủ liều có khả năng giảm dần theo thời gian. Mũi nhắc lại của vaccine COVID-19 giúp tăng cường hoặc khôi phục khả năng bảo vệ có thể đã giảm theo thời gian sau khi tiêm liều cơ bản.
Hiện nay trên thế giới, nhiều quốc gia cũng đã triển khai việc tiêm ngừa liều nhắc lại lần 2 cho người dân. Tại các nước châu Âu như Đức, Đan Mạch, Anh, Hungary, Thụy Điển… đều đã xúc tiến chiến dịch tiêm phòng mới, thậm chí xem xét mở rộng nhóm đối tượng được tiêm để ứng phó với số ca nhiễm đang tăng nhanh.
Việc tiêm mũi nhắc lại lần 2 vaccine phòng COVID-19 được các nước triển khai dựa trên quan điểm, dù số ca tử vong và nhập viện do COVID-19 có xu hướng giảm, nhưng khả năng miễn dịch của con người theo thời gian cũng sẽ suy giảm, đặc biệt là ở người cao tuổi.
Người cao tuổi được hưởng lợi lớn từ mũi tiêm nhắc lần 2 do hệ thống miễn dịch lão hóa thường suy yếu và không tạo ra cùng một lượng hoặc cùng chất lượng kháng thể như ở người trẻ. Ngoài ra, người cao tuổi thường có các vấn đề y tế khác, làm gia tăng nguy cơ chuyển biến nặng khi mắc COVID-19.
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) và CDC Hoa Kỳ cũng đã đưa ra khuyến cáo tiêm mũi nhắc lại lần 2 cho tất cả người lớn từ 50 tuổi trở lên, cũng như bất kỳ người nào bị suy giảm miễn dịch từ 12 tuổi trở lên. Mũi tiêm nhắc lại thứ hai này nên được thực hiện ít nhất 4 tháng sau mũi tiêm nhắc lại đầu tiên.