Từ ngày 20/6, TP HCM đã cấm các chợ tự phát hoạt động sau khi đánh giá đây là những khu vực nguy cơ cao về lây nhiễm dịch. Đồng thời liên tục những ngày qua, có 93 trên tổng số 234 chợ truyền thống dừng kinh doanh để đánh giá lại điều kiện phòng chống dịch.
Việc đóng cửa nhiều khu chợ truyền thống, chợ cóc để đảm bảo an toàn chống dịch COVID-19 đã khiến phần lớn công nhân đã gặp khó khăn về nguồn cung thực phẩm. Hiểu được điều này, một số nhà máy, khu công nghiệp đã mở ra những khu "chợ tạm", mua sỉ rau củ, thịt cá rồi bán cho công nhân giá thấp hơn thị trường 20-30%.
Tại Tổng công ty Việt Thắng (TP Thủ Đức), chợ tạm được tổ chức trong khuôn viên nhà máy, mỗi ngày bán 3 đợt vào buổi trưa, đầu và cuối giờ chiều, phù hợp với giờ ra vào ca của công nhân. Chợ gồm nhiều quầy nhỏ, bán gần 30 loại rau, củ, thịt cá tươi sống. Các quầy được bố trí giãn cách, căng dây chia ô để không tụ tập đông người. Công nhân trước khi vào mua hàng được đo nhiệt độ, sát khuẩn tay, đeo khẩu trang.
Thực phẩm được bán trong khu chợ tạm ở Tổng công ty Việt Thắng có giá thấp hơn ngoài thị trường ít nhất 20%, do được mua giá sỉ, không tốn tiền vận chuyển và thuê mặt bằng.
"Chúng tôi đi chợ giúp công nhân nên mua vào bao nhiêu bán ra bấy nhiêu", bà Trần Thị Thanh Phượng, Chủ tịch công đoàn tổng công ty cho biết.
Công ty cổ phần kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn ở Khu công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân) cũng tổ chức mô hình chợ tạm tương tự.
Công nhân Công ty cổ phần kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn nhận hàng vào giờ tan. Ảnh: An Phương/VnExpress |
Mỗi ngày, công nhân sẽ nhận danh sách các mặt hàng kèm giá cả để lựa chọn. Các tổ trưởng sẽ chốt số lượng trước 16h, sau đó gửi phòng kinh doanh tổng hợp, đặt hàng. Sáng hôm sau, rau củ được nhà cung cấp chở đến nhà máy. Nhóm phụ trách sẽ chia theo từng đơn, ghi sẵn tên, số tiền và trao cho công nhân khi tan ca. Ngoài hàng tươi sống, nhà máy còn đặt nước mắm, nước tương, dầu ăn, bột ngọt... từ siêu thị với số lượng lớn để được giá ưu đãi. Không chỉ vậy, phiên chợ còn bán sản phẩm do chính doanh nghiệp sản xuất với giá nội bộ giảm 25%.
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công thương TP HCM cho biết, nếu các nhà máy muốn mua hàng bình ổn giá để bán cho công nhân, có thể liên hệ trực tiếp với sở để được hỗ trợ. Khi chính quyền dừng tất cả chợ truyền thống từ ngày 1/7, sở đã đề nghị lãnh đạo quận gửi thông tin các nhà cung cấp thực phẩm thiết yếu đến tất cả doanh nghiệp. Hàng hóa sẽ được giao tận nơi cho doanh nghiệp để cung ứng cho lao động.