Ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, kể từ khi bắt đầu bùng phát dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố, ngành Y tế đã chủ động triển khai mô hình bệnh viện dã chiến tại Củ Chi và Cần Giờ để chuyên tiếp nhận cách ly điều trị người bệnh mắc COVID-19. Sau gần 1 năm rưỡi hoạt động, hai bệnh viện dã chiến này đã thật sự phát huy hiệu quả khi tiếp nhận và điều trị thành công hầu hết các ca mắc ghi nhận trên địa bàn. Điều này đã giúp giảm gánh nặng và nguy cơ lây nhiễm rất lớn cho các bệnh viện trên địa bàn Thành phố.
Hiện nay, trước tình hình dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Thành phố, Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch ứng phó với tình huống có 5.000 người mắc COVID-19 trên địa bàn. Theo đó, đến nay, ngành Y tế đã sẵn sàng khoảng 2.000 giường bệnh chuyên tiếp nhận bệnh nhân dương tính, trong đó có 200 giường hồi sức tích cực dành cho bệnh nhân nặng.
Cụ thể, các bệnh viện được phân công sẵn sàng trong giai đoạn này là: Bệnh viện Dã chiến Củ Chi (300 giường), Bệnh viện Điều trị COVID-19 Cần Giờ (600 giường), Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh (400 giường), Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (550 giường), Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (100 giường) và Bệnh viện Nhi Đồng 2 (50 giường). Ngoài ra, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân mắc COVID-19 nặng với 40 giường hồi sức tích cực.
Như vậy, theo kế hoạch này, hai bệnh viện sẽ được chuyển đổi một số chức năng để trở thành bệnh viện chuyên tiếp nhận COVID-19 (ngoài 2 bệnh viện dã chiến Củ Chi và Cần Giờ) là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. Hai bệnh viện chuyên tiếp nhận trẻ em là Nhi đồng Thành phố và Nhi đồng 2 dành các khối nhà độc lập (Khoa Nhiễm) chỉ chuyên tiếp nhận bệnh nhi COVID-19. Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ bố trí một khoa hồi sức chuyên tiếp nhận bệnh nhân người lớn nặng. Đến nay, theo sự phân công này, các bệnh viện đều đã có phương án sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân.
Đặc biệt với riêng Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch – là bệnh viện chuyên khoa về bệnh phổi và lao, Sở Y tế chỉ đạo sẽ triển khai theo mô hình bệnh viện “tách đôi” (split hospital) vừa tiếp nhận điều trị các bệnh lao, phổi vừa điều trị bệnh nhân COVID-19, các trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19. Theo đó, một nửa bệnh viện (tính theo chiều dọc) sẽ được sử dụng làm khu vực điều trị bệnh nhân mắc COVID-19. Khu vực này tách biệt hẳn với một nửa còn lại, có cổng vào riêng, những khối nhà riêng (đã được bố trí những buồng áp lực âm, giường hồi sức, các buồng bệnh thông thoáng không dùng điều hòa trung tâm,…) và cả khu vực cận lâm sàng riêng biệt, trong đó có xét nghiệm RT-PCR chẩn đoán COVID-19. Quy mô giường bệnh của một nửa bệnh viện chuyên phục vụ cho bệnh nhân COVID-19 có thể lên đến 700 giường.
“Với khuôn viên rộng lớn và môi trường thoáng, nhiều cây xanh, cùng với được đầu tư nhiều trang thiết bị, kỹ thuật chuyên sâu, việc Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch triển khai theo mô hình bệnh viện tách đôi (split hospital) vừa điều trị các bệnh lao, phổi song song điều trị COVID-19 là hoàn toàn khả thi”, ông Tăng Chí Thượng nhận xét.
Theo ông Tăng Chí Thượng, “Respiratory care split hospital” là một mô hình khá thành công của Hàn Quốc trong ứng phó với đại dịch COVID-19. Hai giải pháp chính đã được vận dụng tại Hàn Quốc để các bệnh viện sẵn sàng ứng phó nhưng không trở thành ổ lây lan dịch COVID-19 là chuyển đổi chức năng một số bệnh viện trở thành bệnh viện chuyên điều trị COVID-19 và “tách đôi” một số bệnh viện để một nửa bệnh viện trở thành bệnh viện chuyên tiếp nhận và chăm sóc bệnh nhân có triệu chứng hô hấp.