TP.HCM Đóng học phí không dùng tiền mặt - Đề án SSC có lợi cho ai?!

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Sở Giáo dục Đào tạo TP.HCM phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, Công ty Cổ phần Văn hóa Ngôi Nhà Xanh và nhiều ngân hàng triển khai Đề án SSC hướng đến mục tiêu tạo chuyển biến trong thanh toán không dùng tiền mặt, giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt. Nhưng khi thực hiện, phụ huynh học sinh lại gánh thêm một chi phí khác.

Bài 1: Đóng học phí cũng mất phí

Nhiều phụ huynh cho rằng giải pháp đóng học phí thông qua Đề án SSC của Sở Giáo dục Đào tạo TP.HCM làm tăng thêm gánh nặng kinh tế trong giai đoạn khó khăn hiện nay khi phải mất thêm phí giao dịch từ 7.500 đồng – 11.000 đồng/lần, trong khi có rất nhiều hình thức thanh toán khác hoàn toàn miễn phí.

TP.HCM Đóng học phí không dùng tiền mặt - Đề án SSC có lợi cho ai?! ảnh 1

Giao diện trang thông tin SSC và Biểu phí SSC do phụ huynh cung cấp.

Phí tự động cộng vào học phí

Anh N.H, nhà ở huyện Hóc Môn (TP.HCM) cho biết có con đang học tiểu học trường công lập D. trên địa bàn huyện. Giữa tháng 10/2023, anh nhận được phiếu báo thu tiền học (bản giấy) của con có in tên trường và logo SSC. Tổng số tiền cho các khoản như: Kỹ năng sống, Anh văn bản ngữ, phục vụ và vệ sinh bán trú, tiền ăn… là 965.000 đồng.

Trên phiếu hướng dẫn phụ huynh đóng học phí tại các kênh thu hộ gồm: Thế giới Di động, Điện Máy Xanh, FPT Shop…, các ứng dụng ngân hàng và ví điện tử như: ECO, VIB, Vietcombank, TPBank, ACB, MB Bank, Agibank, ZaloPay, Momo, Vietinbank iPay, Sacombank, Viettel Money, VNPT Money…

Anh H. sử dụng ứng dụng của ngân hàng Sacombank đóng học phí. Anh lý giải: “Vì thấy trong hướng dẫn, Sacombank nằm ở phần “thanh toán hoá đơn học phí miễn phí” nên chọn để giao dịch”. Đến khi hoàn tất, anh phát hiện tổng số tiền bị trừ là 972.500 đồng, chênh lệch 7.500 đồng so với giấy báo học phí.

Tôi gọi điện lên trường và trung tâm SSC hỏi vì sao lại mất phí giao dịch 7.500 đồng thì cả hai đều không thể giải thích thoả đáng”, anh H. bức xúc và cho biết thêm, trường bắt đầu triển khai thu tiền học phí thông qua SSC từ năm học 2022-2023 và anh cũng từng phản ánh vấn đề này khi họp phụ huynh.

Tôi không tiếc 7.500 đồng mà cảm giác như phụ huynh bị lừa vậy. Trước tôi chuyển khoản qua MB Bank cũng bị trừ nhưng không nói. Lần này, họ tách ra hai khung có phí và miễn phí nên tôi chọn thử ngân hàng miễn phí để chuyển. Kết quả vẫn bị trừ như nhau”, anh H. phản ánh.

TP.HCM Đóng học phí không dùng tiền mặt - Đề án SSC có lợi cho ai?! ảnh 2

Anh H. đóng học phí qua SSC bị trừ phí giao dịch 7.500 đồng/lần.

Tương tự, anh G.L cho biết vừa nhận được thông báo học phí của con do trường tiểu học T. ở Q.Tân Bình gửi. Tổng số tiền hai tháng 9 và 10/2023 cho các khoản: Học phẩm, Thiết bị vật dụng bán trú, Câu lạc bộ làm quen với tin học, Nước uống, Khám sức khoẻ... là 2.463.500 đồng, kèm một mã QR.

Trường hướng dẫn phụ huynh đóng học phí bằng 3 cách, gồm: Mở ứng dụng ngân hàng, quét mã QR (vừa nêu); Trên ứng dụng ngân hàng và ví điện tử có liên kết; Tại 25.000 cửa hàng có liên kết như: FamilyMart, GS25, FPT Shop, Nhà thuốc An Khang...

Anh G.L quyết định dùng ứng dụng của ngân hàng VPBank, quét mã QR mà trường cung cấp, cửa sổ hiện ra là số tài khoản 00669700300000 mang tên “Payoo-Hoc Phi SSC”. Phụ huynh này nhập đúng số tiền phải đóng là: 2.463.500 đồng và thao tác để nhận mã OTP. Lúc này, giao diện ứng dụng ngân hàng hiển thị số tiền là 2.471.000 đồng (chênh lệch 7.500 đồng), Phí là 0 đồng.

Họ tự cộng phí giao dịch 7.500 đồng vào tổng số tiền phải đóng, đáng ra phải nằm chỗ Phí để phụ huynh biết, nhưng họ lại để Phí là 0 đồng. Việc thu học phí qua SSC có nhiều bất cập, nếu không chú ý kỹ phụ huynh cứ nghĩ đóng qua ứng dụng ngân hàng là miễn phí nhưng thực chất tiền học phí và tiền phí giao dịch được cộng dồn vào nhau. Tôi cho rằng cái này là đánh lận con đen nên huỷ giao dịch để chọn hình thức khác”, anh G.L phân tích.

Đề án SSC là gì?

Từ năm 2014, Sở Giáo dục Đào tạo TP.HCM phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, Công ty Cổ phần Văn hóa Ngôi Nhà Xanh và nhiều ngân hàng triển khai đề án Thẻ học đường SSC (School Smart Card) - là thẻ dành cho học sinh, có tên và mã số học sinh, phụ huynh sẽ đứng tên chủ tài khoản.

Theo giới thiệu, thẻ SSC là sản phẩm thẻ ghi nợ nội địa được ngân hàng phát hành và quản lý tài khoản tiền gửi thanh toán cho phụ huynh. Thẻ không sử dụng rút tiền mặt. Vào kỳ đóng học phí, trung tâm SSC sẽ thông báo đến phụ huynh số tiền học phí phải đóng. Phụ huynh sẽ chuyển tiền vào thẻ SSC bằng các hình thức: Chuyển khoản, đóng tại các ngân hàng, đóng tại trường, thu qua máy cà thẻ cố định POS tại trường...

TP.HCM Đóng học phí không dùng tiền mặt - Đề án SSC có lợi cho ai?! ảnh 3

Từ năm 2014, Sở Giáo dục Đào tạo TP.HCM phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, Công ty Cổ phần Văn hóa Ngôi Nhà Xanh và nhiều ngân hàng triển khai đề án Thẻ học đường SSC.

Để triển khai, Sở Giáo dục Đào tạo lập ra Ban đề án SSC gồm 6 người, trong đó ông Lê Hoài Nam – Phó Giám đốc Sở làm Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Đề án SSC, ông Ngô Doãn Chính - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Văn hóa Ngôi Nhà Xanh là Uỷ viên thường trực Ban chỉ đạo đề án. Trong danh sách không thấy đề cập vị trí Trưởng ban.

Dữ liệu học sinh, phụ huynh các trường sẽ được bàn giao cho Công ty Cổ phần Văn hóa Ngôi Nhà Xanh và ngân hàng tiến hành phát hành thẻ để đóng và thu học phí. Ban đầu, đề án thực hiện mở và phát hành thẻ cứng SSC (tương tự thẻ ATM). Nếu phụ huynh đăng ký sử dụng các dịch vụ tiện ích (thanh toán qua ngân hàng) thì mức phí là 13.600 đồng/tháng/tài khoản. Tuy nhiên, việc này gặp vướng mắc trong thanh toán chi phí mỗi lần cà thẻ tại máy POS lắp đặt ở các trường.

Để tháo gỡ, Sở Giáo dục Đào tạo đề xuất, Sở Tài chính cho ý kiến, UBND TP.HCM chấp thuận bằng văn bản số 529 ngày 3/2/2017 do ông Trần Vĩnh Tuyến – Phó Chủ tịch khi đó ký: “Cho các đơn vị ngành giáo dục và đào tạo đang triển khai hình thức thanh toán học phí và các khoản thu khác bằng hình thức không sử dụng tiền mặt (theo đề án SSC) được chi trả phí thanh toán qua máy POS đặt tại các trường. Mức chi trả là 0,33% trên giá trị giao dịch đối với thẻ nội địa và từ 0,6 – 2% trên giá trị giao dịch đối với thẻ quốc tế. Nguồn chi trả từ nguồn thu sự nghiệp của trường”.

Trên cơ sở này, tháng 7/2017, Phó Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo TP.HCM Lê Hoài Nam có văn bản gửi các đơn vị tham gia đề án SSC trả lời vướng mắc trên và hướng dẫn thời gian triển khai. Dẫu vậy, nhiều phụ huynh đồng loạt đòi trả thẻ vì các trường tham gia chưa lắp đặt máy cà thẻ cố định POS và việc sử dụng thẻ cứng SSC đã dừng sau khi triển khai được hai năm.

TP.HCM Đóng học phí không dùng tiền mặt - Đề án SSC có lợi cho ai?! ảnh 4

Phần mềm SSC được viết riêng cho công tác quản lý các nguồn thu tại các trường.

Đến tháng 8/2019, TP.HCM cho phép thí điểm “Phần mềm quản lý trực tuyến các nguồn thu” theo Đề án SSC (không phát hành thẻ), do Công ty Cổ phần Văn hoá Ngôi Nhà Xanh phát triển. Phần mềm này được viết riêng cho công tác quản lý các nguồn thu tại các trường, được chuẩn hoá nghiệp vụ kế toán..., giúp các trường quản lý thông tin tập trung, tự động, điện tử hoá, quản lý nguồn tiền nhanh chóng...

Đến nay, có 700 trường học trên địa bàn TP.HCM sử dụng phần mềm SSC, 24 ngân hàng và 19 Ví điện tử được liên kết. Quận Bình Tân và huyện Bình Chánh triển khai 100% các trường học. Theo đơn vị phát triển, các trường không mất phí khi sử dụng phần mềm SSC, kể cả chi phí vận hành, bảo trì, đào tạo.

Tuy nhiên, gánh nặng này lại đổ lên vai phụ huynh. Theo biểu phí SSC mà công ty cung cấp, phí một lần giao dịch đóng học phí của các ngân hàng như: Sacombank, MB Bank, Vietcombank, VIB, TPBank, KienlongBank, OceanBank, VietABank, SHB, Nam Á Bank là 7.500 đồng/giao dịch. Qua các ngân hàng như: VP Bank, VietinBank, Sài Gòn Bank, BIDV... là 11.000 đồng/giao dịch. Ví Momo là 1,1%/giao dịch (tối thiểu 10.000 đồng), ShopeePay và SmartPay là 13.000 đồng/giao dịch...

Ngoài các ngân hàng, trung gian thanh toán thu phí kể trên, biểu phí của SSC hiện có các đối tác không thu phí là: trang OmiPay, app Eco, ACB, HDBank và Agribank. Phía doanh nghiệp cho biết sẽ đàm phán cam kết duy trì 4 đơn vị miễn phí hằng năm. Nhưng chính sách miễn phí sẽ thay đổi (ít nhất sau 6 tháng đầu, theo đề án) và trong tương lai, phụ huynh giao dịch qua các nền tảng này vẫn bị mất phí. Việc miễn phí trong thời gian đầu nhằm lôi kéo người dùng tải ứng dụng và đăng ký tài khoản.

TP.HCM có khoảng 1,7 triệu học sinh. Nếu một triệu phụ huynh thực hiện đóng học phí mất phí 7.500 đồng/lần thông qua SSC thì mỗi tháng phí giao dịch là 7,5 tỷ đồng. Một năm học có 9 tháng, tổng phí giao dịch lên tới 67,5 tỷ đồng. Vậy phí giao dịch này được phân chia như thế nào?

(Còn tiếp)

Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia.
2024 là năm "bội thu" của ngoại giao văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Trao đổi văn học nghệ thuật, trao đổi văn hóa du lịch, giao lưu thể thao, trao đổi học thuật, trao đổi triển lãm và các hoạt động văn hóa khác là những biểu hiện chính của ngoại giao văn hóa.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) -Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?
Indonesia kêu gọi D-8 thúc đẩy Phong trào phương Nam toàn cầu
Indonesia kêu gọi D-8 thúc đẩy Phong trào phương Nam toàn cầu
(Ngày Nay) - Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto kêu gọi Tổ chức Hợp tác Kinh tế 8 nước đang phát triển, hay còn gọi là D8, vượt ra ngoài hợp tác kinh tế, trở thành một phong trào “Phương Nam toàn cầu” nhằm ủng hộ một trật tự toàn cầu công bằng và bình đẳng hơn dựa trên luật pháp quốc tế, tính bao trùm, công lý và thịnh vượng chung.