Sự kiện trưng bày nhằm tôn vinh và quảng bá các giá trị di sản văn hoá, các sản phẩm của các làng nghề thủ công truyền thống, sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng đất Phú Xuân - Huế và Gia Định - Sài Gòn đến người dân và du khách trong, ngoài nước nhân dịp kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam, hướng đến kỷ niệm 65 năm kết nghĩa của ba tỉnh, thành phố Hà Nội - Huế - Sài Gòn (08/10/1960 - 08/10/2025).
Giảng viên Trường đại học văn hóa Phạm Văn Luân giới thiệu lịch sử, văn hoá đến sinh viên. |
Trưng bày chuyên đề “Phú Xuân - Gia Định, Những dấu ấn lịch sử” tại Bảo tàng TP.HCM trưng bày 300 hình ảnh, tư liệu, hiện vật tiêu biểu; mang đến cái nhìn tổng thể về lịch sử hình thành trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội của Phú Xuân - Huế (từ năm 1558); lịch sử thành lập thành Gia Định - Sài Gòn và quá trình khai phá lãnh thổ về phương Nam của ông cha ta (từ năm 1698), gồm hai phần:
Phần “Từ Thuận Hóa - Phú Xuân đến Cố đô Huế - nơi hội tụ và kết tinh di sản văn hóa dân tộc”, giới thiệu quá trình hình thành và phát triển với lịch sử hơn 700 năm hội tụ tinh hoa, văn hoá nghệ thuật, các loại hình di tích, các hiện vật, cổ vật phong phú về số lượng, đa dạng về loại hình, độc đáo về giá trị mỹ thuật.
Phần “Từ Nam Bộ thế kỷ XVII - XIX đến Sài Gòn nay”, giới thiệu tới công chúng quá trình hình thành và phát triển vùng đất Sài Gòn – Gia Định, đặc biệt sưu tập ấn, sắc phong, tờ truyền thể hiện sự quản lý của Nhà nước trong những buổi đầu xác lập nền hành chính. Đây là nguồn sử liệu quan trọng, quý hiếm hiện được lưu giữ tại Bảo tàng TP.HCM.
TIỀN QUANG TRUNG THIÊN BẢO, niên đại thế kỷ 18. Ảnh: GIẢN THANH SƠN |
Dịp này, Bảo tàng TPHCM giới thiệu những thành tựu đã đạt được về kinh tế, văn hoá và những khó khăn thử thách của việc xác lập chủ quyền nước nhà qua các triều đại phong kiến. Những dấu ấn văn hoá đậm nét trong sinh hoạt, phong tục tập quán, sự giao thoa, hoà quyện giữa văn hoá cung đình và văn hoá dân gian để hình thành nên đặc trưng văn hoá vùng miền của cư dân Nam Bộ xưa.
Đặc biệt, tại ngày khai mạc, du khách được tham gia các hoạt động trải nghiệm làm các sản phẩm thủ công truyền thống đặc trưng của xứ Huế như: Làm hoa giấy Thanh Tiên (làng Thanh Tiên); tô tượng ông Công, ông Táo (làng Địa Linh)… và một lần mỗi tháng trong thời gian diễn ra trưng bày.
“Đây là cơ hội rất tốt để cho sinh viên được tiếp cận với hồ sơ và hiện vật, giúp các bạn có thêm kiến thức về lịch sử văn hóa vào thời kỳ hình thành trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội của Phú Xuân - Huế và lịch sử thành lập thành Gia Định - Sài Gòn cũng như quá trình khai phá lãnh thổ về phương Nam của ông cha ta”, anh Phạm Văn Luân - giảng viên Trường Đại học Văn hóa đang hướng dẫn gần 50 sinh viên đến đây tham quan, học hỏi lịch sử nói.
Anh Long Tran (Việt kiều Pháp, quê gốc ở Huế) chia sẻ: “Gia đình tôi đã rời xa quê hương gần 50 năm. Bây giờ, tôi cũng đã ngoài 70 rồi, thú thật nhìn những hiện vật trưng bày và đọc hồ sơ lịch sử về Cố đô, tôi cũng như vợ của mình quá bồi hồi xúc động vì thấy rằng công lao to lớn của các bậc tiền nhân trước đây đã tạo dựng cho chúng ta một cơ đồ xán lạn…”.
Trưng bày diễn ra từ ngày 29/11/2024 đến ngày 23/2/2025 tại Bảo tàng TP.HCM, số 65 đường Lý Tự Trọng, P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM.
Dưới đây là một số hiện vật và hình ảnh trưng bày tại Bảo tàng:
ẤN TRUNG THỦY CHI ĐẠI ĐÔ ĐỐC, thời kỳ Tây Sơn, tháng 1 năm 1797. Ảnh: GIẢN THANH SƠN |
ĐÔN SỨ, được phát hiện tại xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, niên đại thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20. Ảnh: GIẢN THANH SƠN |
CHÓE, được phát hiện tại xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, niên đại cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20. Ảnh: GIẢN THANH SƠN |
HŨ, được phát hiện tại xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, niên đại thế kỷ 19. Ảnh: GIẢN THANH SƠN |
LY (CỐC) được phát hiện tại xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, niên đại thế kỷ 19. Ảnh: GIẢN THANH SƠN |