Thiệt hại tiền tỉ
Ông Phạm Văn Trường – Giám đốc HTX nuôi nghêu Tiến Thành cho biết, lúc đầu cứ nghĩ vào thời điểm sinh sản thường có một số ít bị chết vì vụ nào cũng có. Tuy nhiên, khi thương lái đến mua và cào nghêu lên thì phát hiện nghêu chết rộ.
Theo ông Trường, thông thường mỗi vụ nuôi nghêu khoảng 2 năm, trong thời gian chờ thu hoạch nghêu, những xã viên có đất thì sản xuất nuôi tôm, chăn nuôi, còn không thì đi làm thuê ở nhiều nơi để kiếm thêm thu nhập.
“HTX được thành lập từ năm 2005 với 60 xã viên, đến nay lên đến 318 xã viên. Trong số này có đến 50% là hộ nghèo được nhà nước hỗ trợ vốn để tham gia HTX. Những năm gần đây, lợi nhuận đạt trên 100% nhờ vậy góp phần xoá đói giảm nghèo cho các xã viên. Năm nay thất thu, những hộ này sẽ gặp khó khăn hơn”, ông Trường thông tin.
Tổng kinh phí HTX đầu tư cho vụ nuôi lần này là gần 5 tỉ đồng với diện tích 200ha. Theo tính toán của ông Trường, nếu nghêu không chết thì năm nay HTX có thể thu hoạch khoảng 500 tấn, ước tính thu lời trên 10 tỉ đồng.
Tuy nhiên, hiện tại chỉ mới thu hoạch khoảng 45 tấn thì tạm ngưng do nghêu chết gần 50%, người dân chỉ biết đi gom vỏ nghêu rồi đem đi đổ mà ngậm ngùi vì tiền của đổ vào đó giờ mất trắng (mỗi xã viên góp vốn cao nhất 100 triệu và thấp nhất 2 – 3 triệu).
Còn ông Huỳnh Văn Vàng – Tổ trưởng THT nghêu Hai Thủ cho biết nghêu chết từ tháng 2 kéo dài đến nay, rộ nhất là tháng 3 - 4. Trong khi chỉ mới thu hoạch khoảng 80 tấn mà nghêu chết thì gần 150 tấn, thiệt hại ước tính hơn 3,3 tỉ đồng. THT được thành lập năm 2014 với diện tích 100ha, hiện có 107 thành viên, trong đó có 40 hộ nghèo và cận nghèo.
Người dân cho rằng nguyên nhân nghêu chết là do nước thải từ những hộ nuôi tôm xả ra bên ngoài. |
Nhiều nguyên nhân
Theo ông Nguyễn Văn Nguyên – Phó Bí thư Chi bộ ấp Hai Thủ, nghêu chết có nhiều nguyên nhân. Gần đây, một số hộ nuôi tôm bậc cao xả nước thải ra sông mà không có hệ thống xử lí nên có thể gây ra tình trạng ô nhiễm, còn mấy năm trước môi trường ở đây rất tốt.
“Người dân nuôi tôm quảng canh với tôm công nghiệp gần chục năm, nhưng nuôi tôm bậc cao theo kiểu khép kín chỉ mới 2 năm nay. Nước không có mùi hôi nhưng quan sát thấy có màu xanh rất đậm, đụng vào vô cùng ngứa. Mỗi tháng người nuôi thường xả một lần, theo suy nghĩ của tôi nghêu chết có liên quan đến vấn đề này nhưng mình không có bằng chứng thì khó nói. Nhiều lần bức xúc tôi phản ánh lên cấp trên nhưng không thấy phản ứng gì”, ông Nguyên nói.
Ông Nguyễn Văn Nguyên – Phó bí thư chi bộ ấp Hai Thủ, đồng thời cũng là thành viên của HTX nuôi nghêu Tiến Thành cho biết, trên địa bàn ấp có 90% hộ dân nuôi tôm. |
Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Thanh Thưởng – Phó Chủ tịch UBND xã Long Hòa cho biết trong tổng diện tích 300ha nuôi nghêu, với THT nghêu Hai Thủ thì nghêu chết khoảng 2 tháng nay, còn HTX nghêu Tiến Thành thì khoảng nửa tháng. Điều lạ là cùng một bãi bồi nhưng 2 chỗ nuôi nghêu lại chết khác nhau. Ước tính đến nay, đã có gần 500 tấn nghêu thiệt hại.
Về nguyên nhân, ông Thưởng cho biết THT có đo độ mặn mỗi ngày thì phát hiện độ mặn giảm liên tục. Vừa qua, cán bộ Trạm thú y huyện cũng đánh giá là do tình trạng khai thác cát trái phép trên sông làm nhiều tạp chất xuất hiện nên ảnh hưởng đến nghêu.
Cũng theo ông Thưởng, từ năm 2013 - 2014, tình trạng người dân ồ ạt đào ao nuôi tôm tăng nhanh, thậm chí có những vùng nằm ngoài quy hoạch. Nhưng rất khó khăn trong vấn đề xử lí, vì con tôm đem lại lợi nhuận quá cao nên người dân tự chuyển đổi. “Tôi cũng nhìn nhận, hiện nay khâu xử lí nước thải của những người nuôi tôm còn hạn chế. Do một số hộ không có hồ chứa nên xả thẳng ra biển. Việc ào ạt đào ao nuôi tôm đã làm cho ngành tôm có tình trạng cung vượt cầu, giá tôm giảm”, ông Thưởng nói thêm.
Theo Tiền Phong