1/ Người dân chắc hẳn chưa quên vụ việc gây phẫn nộ cách đây hơn một năm, khi tài xế một hãng taxi trong nước rời khỏi hiện trường, bỏ mặc người bị thương nằm giữa đường sau tai nạn, còn một người khác tử vong.
Xã hội đã lên án gây gắt sự vô cảm của tài xế taxi. Người ta đặt nó xoay quanh sự xuống cấp về đạo đức và yêu cầu pháp luật đưa ra một bản án thích đáng sau khi có kết quả điều tra từ nhà chức trách.
Trong bối cảnh ấy, một thông tin khiến những người liên quan cảm thấy ấm lòng hơn cả có lẽ là cam kết chịu trách nhiệm dân sự của đơn vị quản lý lái xe, được tuyên bố bởi lãnh đạo hãng taxi này.
“Sau khi vụ việc rủi ro xảy ra, công ty luôn tích cực phối hợp cơ quan chức năng điều tra nguyên nhân, cung cấp hồ sơ, chứng từ và tài liệu liên quan và cam kết thực hiện trách nhiệm dân sự của đơn vị quản lý lái xe và trách nhiệm liên đới nếu có liên quan. Đối với những sự việc dù chưa có kết luận chính thức, công ty sẵn sàng hỗ trợ ban đầu và khắc phục hậu quả”.
Chưa biết lời cam kết này được thực hiện đến đâu nhưng trên hết, hãng taxi này đã ý thức được trách nhiệm của mình với khách hàng thay vì sự trốn tránh và đổ hết tội lỗi cho nhân viên của họ.
2/ Một khách hàng của GoViet (nay là Gojek) cầu cứu báo giới cách đây vài tháng bởi sự vô trách nhiệm của hãng xe công nghệ này khi tai nạn xảy đến trong lúc thực hiện chuyến đi. Biến chứng của vụ va chạm hôm ấy khiến chân cậu thanh niên trẻ tuổi ngày càng teo tóp, đối mặt với nguy cơ bại liệt trong suốt quãng đời còn lại, thiệt hại về tinh thần là không kể xiết.
GoViet yêu cầu khách hàng truy trách nhiệm của tài xế và người gây tai nạn, bởi họ chỉ là đơn vị trung gian cung cấp nền tảng kết nối giữa các bên nên mặc nhiên không can dự đến.
Tài xế không phản hồi, GoViet khoá ứng dụng và xem đó là phán quyết cuối cùng dành cho đối tác. Về phía còn lại, mặc cho khách hàng năm lần bảy lượt kêu cứu, hãng xe công nghệ vẫn làm ngơ sau vài đồng viện phí.
Hồi đầu năm, một người đàn ông cầm lái chiếc Mercedes trong cơn say chất kích thích tông trực diện vào xe máy do tài xế Grab điều khiển, đang thực hiện cuốc xe do nữ tiếp viên hàng không Vietnam Airlines đặt. Vụ va chạm kinh hoàng làm tài xế của Grab thiệt mạng, khách hàng của họ thương tật 79%.
Vụ việc được đưa ra xét xử, người gây tai nạn chắc chắn sẽ nhận một bản án thích đáng với vô số hành vi vi phạm pháp luật. Toà cũng đang cân nhắc xem xét trách nhiệm dân sự liên đới của bên liên quan là Công ty Fumita khi cho người dùng bằng giả thuê chiếc Mercedes.
Nhưng xuyên suốt vụ việc, người ta mặc nhiên chỉ thấy sự xuất hiện của Grab - công ty cung cấp ứng dụng để thực hiện cuốc xe giữa người tài xế xấu số và cô tiếp viên hàng không trong những lần thăm hỏi.
Bác tài là đối tác của Grab, như họ khẳng định. Vậy mà khi xảy ra tai nạn, trách nhiệm bảo vệ pháp lý cho tài xế, Grab cũng không cho công luận thấy rằng họ có hành động.
3/ Có lẽ Grab, GoViet (Gojek) hay những hãng xe công nghệ khác đã quá say sưa trong cuộc đua giành thị phần mà quên mất trách nhiệm của mình với những người đang ngày đêm đóng góp vào sự tăng trưởng của họ.
Các hãng đang duy trì sự vận hành dựa trên sự đóng góp cổ phần của các cổ đông đại chúng là các tài xế. Bởi sau mỗi cuốc xe, các bác tài luôn đóng lại một khoảng tiền tương ứng cho công ty. Không có sự góp vốn ấy, các hãng xe công nghệ này sẽ hoạt động ra sao nếu chỉ dựa trên phí sử dụng dịch vụ ít ỏi?
Từ GoViet (Gojek) là sự thờ ơ với khách hàng, đến Grab là sự vô cảm bao gồm với cả tài xế. Trách nhiệm của những hãng xe công nghệ ở đâu trong những vụ việc tương tự như thế này?
Rồi ai sẽ bảo vệ cho sự an toàn và lợi ích hợp pháp của hàng triệu người đang sử dụng những hãng xe công nghệ này đây?