Grab Việt Nam vừa có văn bản gửi Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), để phản hồi lại những phát ngôn trái ngược của cơ quan thuế và công văn đề nghị Grab thận trọng khi phát ngôn báo chí.
Theo đó, Grab cho rằng những ngày qua tài xế GrabBike (xe máy) đình công để thể hiện sự bức xúc đối với việc điều chỉnh thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với phần doanh thu của họ.
Để giải quyết tình trạng trên, Grab chủ động tổ chức các cuộc đối thoại với tài xế GrabBike tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng.
Tuy nhiên để giải quyết triệt vấn đề trên, Grab khẳng định cần phải có ý kiến hướng dẫn chính thức bằng văn bản của cơ quan thuế. Nhưng Grab đã có văn bản gửi Tổng cục Thuế để làm rõ các vấn đề về nghĩa vụ thuế đối với phần doanh thu của các tài xế, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được ý kiến trả lời.
Trong khi đó, một số diễn đàn, Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, truyền tải những quan điểm cho rằng tài xế sẽ không phải nộp 3% thuế VAT như hiện nay nữa mà trách nhiệm nộp là của doanh nghiệp.
Hay cơ quan thuế nói, quy định mới tại Nghị định 126 không làm tăng nghĩa vụ của cá nhân tài xế (tài xế chỉ chịu thuế thu nhập cá nhân 1,5% nếu có doanh thu trên 100 triệu đồng), không làm tăng giá cước vận tải (do chính sách thuế VAT 10% đối với vận tải không thay đổi mà vẫn áp dụng từ trước đến nay).
Đặc biệt cơ quan thuế còn phát ngôn: “Nghị định 126 hướng đến sự bình đẳng giữa các hãng taxi truyền thống và công nghệ. Bởi từ trước ngày 5-12, các hãng taxi truyền thống đã kê khai 10% thuế VAT trên toàn bộ doanh thu từ khách hàng, trong khi Grab đẩy trách nhiệm cho tài xế đóng mức 3% thuế VAT cá nhân và “né” được rất nhiều thuế”.
Về những phát ngôn trên, Grab cho rằng cần phải làm rõ một số vấn đề. Cụ thể, việc Tổng cục Thuế áp dụng Nghị định 10/2020 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đối với trường hợp tính thuế VAT đối với hình thức xe hai bánh là không hợp pháp.
Bởi hiện nay chưa có quy định nào về điều kiện kinh doanh và cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hành khách xe hai bánh. Do đó, trong thực tế, hoạt động vận chuyển hành khách bằng xe hai bánh vẫn phải dựa vào các nguyên tắc của Bộ luật Dân sự giữa tài xế và hành khách.
“Dịch vụ vận chuyển hành khách bằng xe hai bánh hoàn toàn không có tính chất kinh doanh mà là hoạt động kiếm sống của những người có thu nhập thấp (đa phần dưới 100 triệu đồng/năm)…”- Grab khẳng định.
Doanh nghiệp này cũng cho rằng sự hợp tác giữa Grab và tài xế xe hai bánh dựa trên việc khai thác các thế mạnh, nguồn lực của các chủ thể độc lập và bảo đảm quyền tự chủ khi tham gia hợp tác của mỗi bên.
Trong đó, Grab chỉ là bên cung cấp dịch vụ kết nối cho các tài xế xe hai bánh theo mô hình kinh doanh ứng dụng thương mại điện tử mà Grab đã đăng ký với Bộ Công Thương. Tài xế xe hai bánh là người trực tiếp cung cấp dịch vụ vận tải và hưởng phần lớn doanh thu. Grab được hưởng phí dịch vụ kết nối là 20% doanh thu cuốc xe.
“Sự thực này đã được Tổng cục Thuế công nhận và hướng dẫn cách xác định thuế VAT theo nguyên tắc: phần doanh thu của Grab phải chịu thuế VAT 10%; còn phần doanh thu của đối tác tài xế xe hai bánh phải chịu mức thuế VAT 3% theo phương pháp tính thuế trực tiếp áp dụng đối với cá nhân kinh doanh…”- Grab khẳng định.
Với các buổi đối thoại vừa qua, Grab biết rằng các tài xế xe hai bánh cũng sẵn sàng bảo đảm quyền thu thuế của Nhà nước bằng việc ủy quyền cho Grab kê khai và nộp thuế thay cho tài xế như quy định.
“Tuy nhiên, chúng tôi yêu cầu rằng việc xác định đối tượng nộp thuế, người nộp thuế - chịu thuế VAT, mức thuế, và đặc biệt là việc khấu trừ đầu vào đối với phần doanh thu của tài xế xe hai bánh, phải được bảo đảm thực hiện đúng các quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng…”- Grab nhấn mạnh.