Khi nghĩ về lịch sử chúng ta thường không nghĩ nhiều đến những trận lũ lụt kinh khủng nhất, những mùa đông tồi tệ nhất, những đợt hạn hán tàn khốc nhất hay cách các hệ sinh thái đã thay đổi theo thời gian. Trong “Trái đất chuyển mình: Một lịch sử chưa kể về nhân loại”, Peter Frankopan đã chỉ ra rằng môi trường tự nhiên là một yếu tố quan trọng, nếu không muốn nói là yếu tố quyết định, trong lịch sử loài người và cả lịch sử toàn cầu. Các vụ phun trào núi lửa, hoạt động Mặt trời, sự thay đổi khí quyển, đại dương và các thay đổi khác, cũng như hành vi do con người gây ra, là những phần cơ bản của quá khứ và hiện đại.
Trong cuốn sách tuyệt vời và mang tính đột phá này, chúng ta tìm hiểu về nguồn gốc loài người; về sự phát triển của tôn giáo và ngôn ngữ cũng như mối quan hệ của chúng với môi trường; về nhu cầu thu hoạch ngày càng nhiều dẫn đến việc vận chuyển nô lệ ngày càng gia tăng; về sự nỗ lực tìm hiểu và kiểm soát thời tiết có lịch sử lâu dài như thế nào.
Tất cả đều cung cấp những bài học có tầm quan trọng sâu sắc khi chúng ta phải đối mặt với một tương lai bấp bênh. Đưa chúng ta từ vụ nổ Big Bang đến thời đại này và hơn thế nữa, cuốn sách này buộc chúng ta phải suy nghĩ về những nỗ lực không ngừng của loài người nhằm hiểu được thế giới tự nhiên.
Tham gia vào công tác dịch thuật của cuốn sách, dịch giả kỳ cựu Nguyễn Việt Long cho biết “Trái đất chuyển mình: Một lịch sử chưa kể về nhân loại” là cuốn sách ngồn ngộn thông tin với niên biểu trải dài từ trước khi con người xuất hiện cho đến sự trỗi dậy và sụp đổ của các xã hội. Chính vì vậy, cuốn sách đặt ra vấn đề tương đối mới so với những công trình khác, đặt ra những thách thức với việc dịch thuật khi xuất hiện nhiều thuật ngữ mà tiếng Việt chưa có.
Ảnh chụp tại sự kiện. |
Là một diễn giả tại buổi tọa đàm, chuyên gia khí tượng Nguyễn Thanh Bình chia sẻ từ góc nhìn về lịch sử về môi trường, cuốn sách của Peter Frankopan cho thấy sự thuyết phục khi kế thừa kho tàng các tư liệu nghiên cứu đi trước. Các nội dung được tác giả trích dẫn rõ ràng, thậm chí có đường link tham khảo để độc giả có thể tự truy cập. Tác giả đã lý giải một cách rất khoa học từ dấu vết về trầm tích, phấn hoa, vi khuẩn rồi đến môi trường, khí hậu...
"Tác giả đã đưa cho chúng ta thấy một bức tranh về sự biến đổi khí hậu và khí hậu này tác động đến môi trường, đến xã hội của loài người. Nếu tầng oxy không biến đổi, thì nhân loại vẫn bị nhốt dưới đáy đại dương. Hay như câu chuyện kinh điển về khủng long, loài sinh vật từng phổ biến trên trái đất đã tuyệt chủng vì một vụ va chạm thiên thạch. Qua đó có thể thấy mỗi một lần khí hậu biến đổi, những loài vật chiếm ưu thế nhất lại là kẻ dễ bị tổn hại, thậm chí là tuyệt chủng", Ths Nguyễn Thanh Bình nói.
Có thể nói, thông qua “Trái đất chuyển mình: Một lịch sử chưa kể về nhân loại”, độc giả sẽ được khám phá những sự kiện khí hậu thường bị bỏ quên trong lịch sử, nhưng chính chúng lại ảnh hưởng trực tiếp đến số phận nhân loại - từ sự nổi lên thống trị của đế chế La Mã, cuộc chinh phạt của Thành Cát Tư Hãn cho đến nạn đói, dịch bệnh cướp đi sinh mạng hàng triệu người.
Vừa ra mắt 4/2023, cuốn sách đã thuộc top bestseller, cho đến nay bán bản quyền cho 24 quốc gia và được phát hành chính thức tại Việt Nam chỉ sau 7 tháng.
Đặc biệt, “Trái đất chuyển mình: Một lịch sử chưa kể về nhân loại” được hàng loạt các tờ báo danh giá như Financial Times, The Times, The Telegraph, The Hindu, The Week,.. đánh giá là cuốn sách hay nhất mùa hè năm 2023, đồng thời lọt vào danh sách những cuốn sách năm 2023 của BBC.
Điểm nhấn của cuốn sách cũng được tác giả tập trung làm rõ chính là nằm ở yếu tố tự nhiên - đối tượng thường bị bỏ qua trong cách chúng ta kể lịch sử của mình. Trải qua 24 chương là 24 giai đoạn theo các mốc thời gian từ thuở hồng hoang của thế giới (khoảng 4,5 tỷ năm trước), tới những tương tác đầu tiên của con người với sinh thái, các thành phố và mạng lưới thương mại đầu tiên, qua thời đại các đế chế hoàng kim và khủng hoảng, đến sự xuất hiện các bệnh dịch, sự hợp nhất của Cựu thế giới và Tân thế giới, thời kỳ Tiểu Băng hà, Đại Phân kỳ, Tiểu Phân kỳ, thời kỳ công nghiệp, thời kỳ Hỗn loạn, kiến tạo những vùng đất không tưởng, đến những mối quan ngại và giới hạn sinh thái hiện nay.
Trả lời cho câu hỏi phải chăng việc đề cao thái quá về khí hậu, môi trường tự nhiên “Trái đất chuyển mình: Một lịch sử chưa kể về nhân loại” đã trở thành điểm yếu của Peter Frankopan qua tác phẩm này, TS Vũ Đức Liêm chia sẻ khi một nhà nghiên cứu hình dung về thế giới, bản thân họ không thể mang tất cả các biến số vào công trình của mình mà chỉ tập trung vào một vài khía cạnh chính.
Theo đó, vấn đề lớn nhất của cách tiếp cận theo lịch sử môi trường là ở phía định lượng, làm thế nào để định lượng được trong một bối cảnh tổng thế của thế giới. Bởi bên cạnh những logic của khoa học tự nhiên, các quyết định được đưa ra trong xã hội, thuộc về con người và là những quyết định của khoa học xã hội. Có thể lấy ví dụ khi hạn hán xảy ra ở một thời kỳ nào đó, nếu có một chính quyền khôn ngoan đưa ra chính sách giảm thuế, khoan thứ sức dân, thì đất nước đó sẽ không sụp đổ, dẫn đến biến đổi khí hậu không phải lý do duy nhất làm tàn lụi các đế chế trong quá khứ.
Peter Frankopan là giáo sư lịch sử toàn cầu tại Đại học Oxford và giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Byzantine. Ông tốt nghiệp Đại học Cambridge với giải thưởng về nghiên cứu lịch sử, và từng là chuyên gia nghiên cứu tại ngôi trường này.
Ông cũng là chuyên gia thành viên của Hiệp hội Lịch sử Hoàng gia Anh, Hiệp hội Nhân học Hoàng gia Anh. Hai cuốn sách trước đó của ông - "Những con đường tơ lụa: Lịch sử mới của thế giới" và "Con đường tơ lụa mới: Hiện tại và tương lai của thế giới" đều được độc giả đón nhận và được trao những giải thưởng danh giá.