Trạng thái “thời chiến” đã kích hoạt, người dân cần đồng lòng phòng chống COVID

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) -  Những diễn biến đáng lo ngại từ các quốc gia trong khu vực tạo áp lực rất lớn lên Việt Nam, nơi đã chủ động có nhiều biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Điều cần nhất lúc này là sự chủ động, quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng chống dịch từ ngay mỗi người.
Trạng thái “thời chiến” đã kích hoạt, người dân cần đồng lòng phòng chống COVID

Những ngày gần đây, mỗi ngày tại Ấn Độ có hơn 2.000 người chết, số người nhiễm mới liên tục phá kỷ lục với hơn 350.000 bệnh nhân mỗi ngày.

Tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Đông Nam Á cũng không khả quan hơn. Campuchia ghi nhận gần 10.000 ca nhiễm, hơn 70 ca tử vong; Thái Lan có 55.460 ca nhiễm, 140 ca tử vong; Lào ghi nhận 323 ca dương tính.

Những con số đáng sợ từ các quốc gia trong khu vực tạo áp lực rất lớn lên Việt Nam, vùng đất đang được cho là cứ điểm an toàn nhất trong cuộc chiến với COVID.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, làn sóng COVID-19 mới có thể sẽ xảy ra tại nước ta. Hiện, mối nguy cơ COVID-19 quay trở lại xâm nhập với biến chủng mới rất nguy hiểm từ những người vượt biên trái phép. Chỉ cần một phòng tuyến nhỏ bị chọc thủng, chúng ta sẽ phải vật lộn và căng sức để chiến đấu sống còn với COVID-19.

Hiểu rõ mối nguy này, nên các đơn vị biên phòng đã và đang được giao nhiệm vụ khóa chặt mọi tuyến biên giới, từ trên bộ, trên biển, từ đường mòn, lối mở. Đây là nhiệm vụ không dễ dàng nếu có những người dân thiếu ý thức tiếp tục tiếp tay cho những người vượt biên trái phép.

Trạng thái “thời chiến” đã kích hoạt, người dân cần đồng lòng phòng chống COVID ảnh 1

Khu vực đường mòn, lối mở, khu vực biển ở các tuyến biên giới đang được các lực lượng biên phòng, hải quân khóa chặt

Hiện tại, dù đã và đang ngăn chặn thành công, chưa để COVID-19 xâm nhập nhưng bệnh viện dã chiến tại các tỉnh thành như Kiên Giang, Cần Thơ… đã được thiết lập. Một trạng thái “thời chiến” đã được kích hoạt với tâm thế chủ động và sẵn sàng nhất từ phía chính quyền.

Các địa phương miền Nam, miền Trung đã có những động thái rất dứt khoát, thậm chí quyết liệt. Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đã quyết định dừng bắn pháo hoa để hạn chế việc tụ tập đông người trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5.

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng đã có văn bản khuyến cáo các địa phương địa phương cần xem xét hạn chế các sự kiện, hoạt động tập trung đông người không cần thiết; trường hợp tổ chức, phải thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch theo đúng định.

Có thể nói, dù không chính thức phát đi thông báo nhưng từ hàng loạt những động thái, những giải pháp đồng bộ đã được triển khai ở nhiều tỉnh thành, có thể nhận ra, trạng thái “thời chiến” đã được kích hoạt. Cuộc chiến “lần 4” này nếu có, sẽ cực kỳ cam go, phức tạp vì virus với biến chủng mới đã “bẻ gãy” dễ dàng sức kháng cự của nhiều quốc gia.

Tuy nhiên việc COVID-19 với biến chủng mới xâm nhập vào nước ta chắc chắn chỉ là một kịch bản xấu nhất, tồi nhất mà chúng ta dự liệu. Sẽ không ai muốn nó xảy đến như ba làn sóng đã xảy ra trước đó, để tất cả phải căng mình vật lộn.

Ngày 26/4, trao đổi với phóng viên Ngày Nay, ông Phạm Xuân Thăng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương - cho biết, lãnh đạo tỉnh ủy cũng như UBND tỉnh Hải Dương đã họp, ban hành thông báo mới nhất về việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh COVID-19 trong dịp nghỉ lễ 30/4 -1/5. Theo đó, tỉnh này yêu cầu đóng cửa tất cả các cơ sở dịch vụ không thiết yếu như karaoke, massage, quán bar, vũ trường, quán game, internet…

Hải Dương cũng chủ động lập danh sách nhân lực có kinh nghiệm phòng chống dịch trong đợt dịch vừa qua, thành lập các tổ đội công tác y tế để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ điều trị, cách ly.Các tổ COVID cộng đồng và tổ an toàn COVID tại các cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn Hải Dương đã được hướng dẫn, giao nhiệm vụ lấy máu xét nghiệm 100% những người có biểu hiện ho, sốt, khó thở trong cộng đồng, cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp. Các cơ sở khám chữa bệnh phải sàng lọc, phân luồng, cách ly ngay lập tức những trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19.

Ông Nguyễn Đức Thọ - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng cho biết, thành phố vẫn giữ “truyền thống” ứng phó nhanh, mạnh và nghiêm ngặt với COVID-19. Đây là thành phố cửa ngõ với hoạt động giao thương rất quan trọng của phía bắc cũng như cả nước. Nếu để COVID xuất hiện sẽ gây ra những hệ lụy rất lớn về kinh tế.

Trong dịp nghỉ lễ sắp tới, các hoạt động tụ tập đông người sẽ được Hải Phòng hạn chế tối đa. Thậm chí việc cưới hỏi, ma chay của người dân trong dịp này cũng được khuyến cáo hạn chế đông người.

Người dân Hải Phòng cũng được yêu cầu tuyệt đối quy định đeo khẩu trang, sát khuẩn tay ở nơi công cộng. Những vi phạm trong phòng chống dịch sẽ bị xử lý rất nghiêm.

Ông Nguyễn Đức Thọ nhấn mạnh, vì sự an toàn chung của nhân dân thành phố cũng như đất nước, Hải Phòng sẽ vẫn thực hiện kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động để ngăn COVID.

Trạng thái “thời chiến” đã kích hoạt, người dân cần đồng lòng phòng chống COVID ảnh 2

Mọi công tác ứng phó với COVID-19 đã được chính quyền các tỉnh thành thực hiện nghiêm tút, quyết liệt

Ông Vương Quốc Tuấn - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh chia sẻ: “Ngay sau khi Thủ tướng có chỉ thị mới về việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch, Bắc Ninh đã sớm ban hành văn bản chỉ đạo, trong đó nhấn mạnh đến yêu cầu thực hiện 5K. Với tất cả các hoạt động tập trung đông người, tỉnh yêu cầu các công dân tham gia phải tuyệt đối chấp hành việc đeo khẩu trang y tế. Chủ tịch UBND các huyện các thị xã phải chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND tỉnh và Ban chỉ đạo của tỉnh về việc triển khai các biện pháp phòng ngừa COVID-19. “

Cũng theo ông Tuấn, Bắc Ninh yêu cầu lực lượng công an phải kiểm soát, giám sát chặt chẽ, không để các đối tượng nhập cảnh, vượt biên trái phép xâm nhập vào Bắc Ninh gây ra những nguy cơ cho cộng đồng.

Từ khi dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam, địa phương này đã thực hiện rất tốt những khuyến cáo của Chính phủ cũng như Bộ Y tế trong phòng chống dịch bệnh.

Có thể nói, trước những diễn biến rất xấu như tại Campuchia, Thái Lan, trước những thảm họa đã liên tiếp xảy ra tại Ấn Độ thì hơn lúc nào hết, người dân Việt Nam cần hiểu rằng, chúng ta đang phải đối mặt với một hiểm họa lớn. Dịch bệnh lần này tàn khốc, nguy hiểm hơn rất nhiều so với 3 đợt dịch bệnh đã xảy ra.

Nhưng mọi công tác ứng phó, chủ động của các lực lượng như y tế, quân đội, công an... sẽ trở thành vô nghĩa nếu người dân không hiểu rõ hoàn cảnh và không đồng lòng chống dịch. Trong đợt nghỉ lễ kéo dài sắp tới nếu người dân vẫn bất chấp tiếp tục tụ tập đông người, không thực hiện các biện pháp phòng dịch tối thiểu thì rất khó để đảm bảo chúng ta sẽ an toàn, sẽ truy vết được nhanh chóng nguồn lây lan và khoanh vùng chính xác khi dịch bệnh xảy đến.

Ấn Độ đã phải trả một cái giá cực kỳ đắt, thậm chí chưa biết bao giờ mới có thể hồi phục sau cơn sóng thần kinh hoàng COVID-19. Trước đó, hàng triệu người dân Ấn Độ đã có nhiều ngày thỏa sức tự tập đông người, tổ chức lễ hội vì ai nấy đều nghĩ, COVID-19 đã biến mất.