Giải thưởng được tổ chức hàng năm nhằm tôn vinh các tác giả có tác phẩm báo chí xuất sắc về khoa học và công nghệ; đồng thời, ghi nhận, vinh danh những nhà báo có tinh thần khoa học, đã nỗ lực hết mình, tìm tòi, phát hiện, phản ánh các kết quả của hoạt động khoa học và công nghệ trong sự phát triển của đất nước.
Sau 12 năm tổ chức và triển khai, ngày 20/11/2023 Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Quyết định số 2644/QĐ-BKHCN sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế xét tặng “Giải thưởng báo chí về khoa học và công nghệ” với nội dung đổi mới là lần đầu tiên Giải thưởng báo chí về khoa học và công nghệ xét tặng loại hình báo ảnh; Các cơ quan báo chí và tác giả trực tiếp gửi tác phẩm tham dự thay vì được Cơ quan thường trực tổng hợp như trước đây; Các tác phẩm báo chí đã đoạt Giải báo chí Quốc gia và Giải của các bộ, ngành Trung ương không được tham dự Giải thưởng…
Theo đánh giá của Hội đồng xét tặng Giải thưởng, các tác phẩm đã phản ánh về mọi mặt hoạt động khoa học và công nghệ của các nhà khoa học, các địa phương, doanh nghiệp cũng như của người dân với các nội dung cấp bách và thực tiễn của đời sống kinh tế - xã hội. Một số tác phẩm có chất lượng tốt, bài viết thể hiện công phu sâu sắc về chủ đề có tính thời sự, các đánh giá bình luận phản ánh được yêu cầu và tác động của hoạt động khoa học và công nghệ.
Tại Lễ trao giải, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang nhấn mạnh, Giải thưởng báo chí về khoa học và công nghệ là dịp để Bộ Khoa học và Công nghệ tri ân, tôn vinh các nhà báo luôn đồng hành, dõi theo quá trình phát triển, những bước đi của ngành Khoa học và Công nghệ, nỗ lực hết mình, tìm tòi, phát hiện, phản ánh các lĩnh vực hoạt động của ngành khoa học và công nghệ. Sau hơn 10 năm triển khai tổ chức, Giải thưởng Báo chí về Khoa học và Công nghệ ghi dấu ấn theo hướng ngày càng chuyên nghiệp, sức lan tỏa lớn hơn, chất lượng các tác phẩm dự thi ngày càng cao. Các cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương ngày càng quan tâm, chủ động tham gia Giải thưởng.
Thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng như ngành khoa học và công nghệ luôn nhận được sự quan tâm, sát cánh của đội ngũ phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương. Bằng sự ghi nhận thực tế, sự dấn thân, các nhà báo đã tạo ra những tác phẩm chân thực, khách quan, phản ánh một cách toàn diện, đa chiều các lĩnh vực hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đó là sự đổi mới về tư duy, cách nghĩ, cách làm trong xây dựng và thực thi chính sách phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo;
Những kết quả đóng góp của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào sự nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, giải quyết các bài toán của thực tiễn cuộc sống; Những tấm gương nhà khoa học tận tụy, đam mê nghiên cứu, sáng tạo; các công nghệ, kỹ thuật hiện đại được ứng dụng vào thực tiễn đời sống, sản xuất, giúp giải phóng sức lao động của con người, hiện đại hóa cuộc sống của người dân...
Mỗi tác phẩm là một mảnh ghép trong bức tranh toàn cảnh của hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, lan tỏa thông tin và tình yêu khoa học và công nghệ, sự say mê sáng tạo. Đây cũng là kênh thông tin quan trọng để các nhà hoạch định chính sách đưa ra những quyết sách quan trọng, sát với thực tiễn hoặc điều chỉnh chính sách nhằm thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Chung khảo Giải thưởng báo chí về khoa học và công nghệ năm 2023 cho biết: Giải thưởng báo chí về khoa học và công nghệ đã khẳng định được vai trò, vị thế của một giải thưởng có uy tín và ngày càng lan tỏa, là sân chơi trí tuệ của các phóng viên, biên tập viên quan tâm đến khoa học và công nghệ.
Năm 2023, ghi nhận những nỗ lực sáng tạo từ hình thức đến nội dung của các tác phẩm dự thi, các chuyên mục chuyên sâu về khoa học và công nghệ trên các báo mang một sức sống mới. Nội dung các tác phẩm báo chí viết về khoa học và công nghệ được lựa chọn xuất phát từ hơi thở của đời sống và đến được với nhiều đối tượng độc giả.
Bên cạnh đó, nhiều cơ quan báo chí và người làm báo tự đổi mới hình thức thể hiện để bắt kịp xu hướng như: Hội tụ, đa phương tiện, đa nền tảng, tích hợp số; báo chí di động, báo chí dữ liệu, báo chí sáng tạo, podcast, trí tuệ nhân tạo. Các tác phẩm báo chí hiện đại Megastory, longform, E-magazine… trên báo điện tử tiếp tục được đẩy mạnh.
Qua 2 vòng chấm sơ khảo và chung khảo đã có 23 tác phẩm và nhóm tác phẩm được trao giải gồm: Thể loại Báo in 1 Giải Nhất, 2 Giải Nhì, 1 Giải Ba, 2 Giải Khuyến khích; Thể loại Báo điện tử 1 Giải Nhất, 1 Giải Nhì, 1 Giải Ba, 2 Giải Khuyến khích; Thể loại Truyền hình 1 Giải Nhất, 2 Giải Nhì, 1 Giải Ba, 2 Giải Khuyến khích; Thể loại Phát thanh 1 Giải Nhất, 1 Giải Nhì, 1 Giải Ba, 1 Giải Khuyến khích; Thể loại Báo ảnh 2 Giải Khuyến khích.
Trong đó, Thông tấn xã Việt Nam có tác phẩm, nhóm tác phẩm đoạt Giải Khuyến Khích gồm: Nhóm tác phẩm "Kết nối khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo câu chuyện từ Đà Nẵng" của Truyền hình Thông tấn (Chi nhánh tại Đà Nẵng); Tác phẩm "Bệnh viện Bạch Mai điều trị thành công cho bệnh nhân tim bằng phương pháp triệt đốt rung nhĩ" và Tác phẩm "Ứng dụng công nghệ trong sản xuất và tiêu thụ hàng thổ cẩm"
Tại lễ trao giải, Ban Tổ chức Giải thưởng báo chí về khoa học và công nghệ tiếp tục được phát động Giải thưởng năm 2024. Bộ Khoa học và Công nghệ tin tưởng rằng: Giải thưởng sẽ luôn luôn tạo hứng khởi cho niềm đam mê sáng tạo, cống hiến không ngừng của những người làm báo và sẽ có thật nhiều hơn nữa những tác phẩm xuất sắc cho mùa trao giải tiếp theo.