Trao Giải thưởng Hoà bình Félix Houphouët-Boigny

(Ngày Nay) - Bà Giuseppina Nicolini, nguyên Thị trưởng Đảo Lampedusa (Ý), và Hiệp hội cứu nạn người di cư Địa  Trung Hải SOS (Pháp) đã nhận giải thưởng Hòa bình Félix Houphouët-Boigny tại Trụ sở UNESCO ở Paris, Pháp ngày 27/ 6.
Trao Giải thưởng Hoà bình Félix Houphouët-Boigny

Nhiều cá nhân tham dự buổi lễ đã trao đổi về những thách thức gây ra bởi các cuộc khủng hoảng di cư đối với các nước xung quanh Địa Trung Hải. Đồng thời, nhấn mạnh sự cần thiết của việc mở rộng vòng tay chào đón những người tị nạn với thái độ tôn trọng.

Bà Irina Bokova, Tổng giám đốc của UNESCO đã ca ngợi sự can đảm và quyết tâm của những người đoạt giải: "Bi kịch của cộng đồng những người di cư và người tị nạn đang đặt ra những câu hỏi về phẩm cách và tình đoàn kết của nhân loại ngày nay. Tất cả các khái niệm về hỗ trợ lẫn nhau, hành động vì cộng đồng và công bằng xã hội đều được nhìn thấy rõ rệt qua lăng kính này”.

Bà Bokova đã cảm ơn những người đã đoạt giải thưởng danh giá này, chính họ đã nhắc nhở thế giới rằng: "Những người di cư không phải là gánh nặng hay đe dọa đối với chúng ta. Hành động của chúng ta sẽ thể hiện lòng nhân đạo, phẩm giá và trách nhiệm của nhân loại”.

Tổng thống Bờ Biển Ngà Alassane Ouattara tuyên bố: "Sự cam kết và quyết tâm của hai đối tượng được trao giải là những tấm gương cho chúng ta và cho các thế hệ tương lai. Bằng việc trao giải thưởng uy tín này, Hội đồng xét chọn giải thưởng muốn nhắn với cộng đồng quốc tế rằng Địa Trung Hải không còn ở giữa giai đoạn bi kịch nữa, mà đã trở thành nơi trao đổi, đoàn kết và đối thoại giữa các nền văn hoá".

Bà Giuseppina Nicolini, người nổi bật trong cuộc chiến giành quyền di dân từ khi còn là thị trưởng Lampedusa và Linosa từ năm 2012 đến năm 2017, nói: "Tôi cảm thấy rằng mọi thứ tôi đã làm đều là những điều rất đỗi bình thường. Mỗi thi thể trôi dạt vào bờ tôi đều khiến tôi không yên lòng, bởi những thân thể đó đến từ những chiếc thuyền mà dường như không một ai còn sống sót”. Bà đã được UNESCO vinh danh vì lòng nhân ái và những cam kết kiên định trong giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư, cũng như đối xử bình đẳng với hàng nghìn người tị nạn trên các bờ biển ở Lampedusa và nhiều nơi khác tại Ý.

Hiệp hội cứu nạn người di cư Địa Trung Hải SOS, một tổ chức phi chính phủ được thành lập năm 2015 bởi người châu Âu, đã huy động nguồn lực từ cộng đồng để có thể đối phó với tình trạng khẩn cấp đang diễn ra ở Địa Trung Hải.

Ông Klaus Vogel, một đồng sáng lập viên khác của Hiệp hội khẳng định: "Mục tiêu của chúng tôi là Địa Trung Hải trở thành một vùng biển nhân đạo, nhân văn”.

Những người tham dự khác trong buổi trao giải bao gồm: Abdou Diouf, cựu Chủ tịch Senegal và Nhà tài trợ giải thưởng, Henri Konan Bédié, cựu Tổng thống Bờ biển Ngà, Michaëlle Jean, Tổng thư ký của Tổ chức Quốc tế La Francophonie, Maria Böhmer, Thứ trưởng Ngoại giao Đức, Vincenza Lomonaco, Đại sứ Ý và Đại diện thường trực UNESCO và Joaquin Chissano, cựu Chủ tịch Mozambique và Chủ tịch Hội đồng xét chọn giải thưởng.

Giải thưởng Hòa bình Felix Houphouët-Boigny ra đời năm 1989 để tôn vinh các cá nhân và các cơ quan hay tổ chức hoạt động công hay tư nhân đang hoạt động có đóng góp đáng kể trong việc quảng bá, tìm kiếm, bảo vệ hoặc duy trì hòa bình.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.