Theo đó, những bé gái người da đen tại các gia đình có mức sống kinh tế thấp đang bắt đầu có kinh nguyệt sớm hơn độ tuổi trung bình và phải mất nhiều thời gian hơn để chu kỳ kinh nguyệt của các em trở nên ổn định.
Trong một nghiên cứu được công bố hôm thứ Tư, từ những dữ liệu khảo sát trong Nghiên Cứu Về Sức Khỏe Phụ Nữ của Apple, các nhà nghiên cứu đến từ Trường Harvard Chan nhận thấy rằng giới trẻ ở Mỹ đang có kỳ kinh nguyệt đầu tiên - được gọi là “menarche” - sớm hơn độ tuổi trung bình (12 tuổi), đặc biệt là với các nhóm chủng tộc thiểu số và trẻ em có mức sống kinh tế xã hội thấp hơn.
Nghiên cứu trên hơn 71.000 người sinh từ năm 1950 đến năm 2005 cho thấy theo thời gian, tất cả các nhóm người đều trải qua kỳ kinh đầu tiên sớm hơn. Nhưng xu hướng này rõ nhất ở các dân tộc da đen, châu Á và các dân tộc không phải da trắng khác, cũng như những người có địa vị kinh tế xã hội thấp.
Có nhiều báo cáo đã ghi nhận sự khác biệt về tuổi dậy thì ở các chủng tộc. Mặc dù việc dậy thì ở tuổi còn nhỏ xảy ra ở trẻ em thuộc mọi chủng tộc, các bé gái da đen vẫn có khả năng dậy thì sớm hơn gấp 2 lần so với bé gái da trắng. Ngày nay, độ tuổi trung bình cho tuổi dậy thì là 8 đến 13 tuổi, tuy nhiên có trường hợp các bé gái da đen đã dậy thì khi chỉ mới 5 tuổi. Viện Y tế Quốc gia cho biết hiện tượng dậy thì sớm này rất hiếm và chỉ xảy ra ở 1% dân số cả nước hoặc ít hơn.
Nghiên cứu vừa qua là một trong những nghiên cứu đầu tiên xem xét đến các yếu tố về chủng tộc và tình trạng kinh tế xã hội khi kỳ kinh nguyệt đầu tiên diễn ra, cũng là nghiên cứu đầu tiên khám phá tính đều đặn của chu kỳ kinh nguyệt.
Zifan Wang, tác giả chính của nghiên cứu và là một nghiên cứu sinh, cho biết: “Điều này rất quan trọng vì việc có kinh sớm và kinh nguyệt không đều có thể báo trước các vấn đề về thể chất và tâm lý xã hội trong cuộc sống sau này, và các xu hướng này có thể góp phần làm gia tăng các kết quả sức khỏe không mong muốn và sự bất bình đẳng ở Mỹ”.
Ông cho biết thêm từ những gì được quan sát, nguyên nhân dẫn tới có kinh sớm có thể do trẻ có chỉ số BMI cao khi còn nhỏ. “Điều này ngụ ý rằng tình trạng ngày càng nhiều trẻ em béo phì tại Mỹ có thể góp phần dẫn đến việc nhiều người có kinh sớm hơn”, theo ông Wang.
Kinh nguyệt sớm có thể dẫn đến các bệnh tim mạch và ung thư. Trong khi đó, dậy thì sớm nói chung gắn với bệnh trầm cảm và lo lắng, làm tăng khả năng hình thành chứng rối loạn ăn uống và thậm chí khiến trẻ chậm phát triển.
Việc có kinh sớm có thể dẫn đến một số kết quả sức khỏe không mong muốn, do vậy ông Wang cho rằng việc được tư vấn sớm, được giáo dục về sức khỏe kinh nguyệt và có kế hoạch chăm sóc sức khỏe cá nhân ở những người trẻ tuổi là điều vô cùng cần thiết.
Trong một báo cáo của NBC News vào tháng 12, một số bà mẹ da đen đã kể chi tiết trải nghiệm của họ khi có con dậy thì sớm. Con gái của họ phát triển ngực lúc 5 tuổi và bắt đầu có kinh vào lúc 7 tuổi. Chế độ ăn uống, béo phì, di truyền, tình trạng kinh tế xã hội và khả năng tiếp xúc với một số hóa chất đều là những nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng này. Yếu tố chủng tộc từ lâu đã gắn liền với tình trạng dậy thì sớm, và tỷ lệ cao nhất là ở người da đen.
Trẻ em da đen không phải lúc nào cũng được chẩn đoán dậy thì sớm do tình trạng phân biệt chủng tộc trong y tế, và do đó không nhận được sự giúp đỡ mà các em cần. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ em da đen.
Patra Rhodes-Wilson từng chia sẻ: “Người Mỹ gốc Phi không cảm thấy như chúng tôi có bất kỳ chỗ dựa nào khác, vì vậy chúng tôi tự mình chịu đựng. Giờ tôi phải nói với mọi người, ‘Nếu có điều gì đó không ổn xảy ra với con bạn và các bác sĩ của bạn không coi trọng vấn đề đó, hãy tìm một bác sĩ khác. Hãy tiếp tục cố gắng để nhận được sự giúp đỡ mà bạn cần’ ”.