Không còn quẩn quanh với giọng hát, sắc đẹp…
Chương trình “Siêu trí tuệ Việt Nam” vừa lên sóng truyền hình 4 tập nhưng đã tạo hiệu ứng tích cực trong công chúng. Đây là gameshow không thuần về giải trí, cũng không mang hơi hướng giật gân hay câu khách, nó là sân chơi dành cho những “siêu nhân” sở hữu năng lực đặc biệt ở mọi lĩnh vực khác nhau. Gameshow này lần đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam, mặc dù ê-kíp sản xuất chương trình gặp nhiều khó khăn trong khâu casting - tìm kiếm thí sinh nhưng những nhân vật bước vào gameshow đều khiến mọi người choáng ngợp vì bộ não phi thường, vì profile năng lực ấn tượng.
Khác với “Đường lên đỉnh Olympia”, cuộc thi này dành cho những nhân tài ở nhiều lĩnh vực khác nhau, ở mọi lứa tuổi khác nhau. Người có trí nhớ tuyệt vời, người chơi rubik trong vài nốt nhạc, người lại nhớ mặt và tên 100 người chỉ sau vài chục giây… Tất cả đều bước lên sân khấu để phô diễn trí tuệ có một không hai của mình.
Trong tập 2 “Siêu trí tuệ Việt Nam”, người xem từng nín thở khi thấy cô bé Phương Nghi – một nữ sinh 16 tuổi, trường chuyên Lê Hồng Phong, TP HCM tham gia thử thách truy tìm vân tay. Theo đó, chương trình sẽ đưa ra 100 dấu vân tay được lấy từ 100 khán giả ngẫu nhiên tại trường quay, nhiệm vụ của Phương Nhi là phải ghi nhớ toàn bộ dữ liệu gồm hình ảnh dấu vân tay và họ tên chủ nhân đính kèm. Ban giám khảo sẽ lựa chọn ngẫu nhiên một khán giả tại trường quay rồi mời lên sân khấu và công bố họ tên đầy đủ, Phương Nghi phải đi tìm cho đúng dấu vân tay của khán giả đó. Từng tích tắc qua đi, công chúng nín thở đợi cô bé đưa ra đáp án. Chưa bao giờ, lực hút từ trí tuệ lại hấp dẫn hơn cả một cuộc thi hoa hậu nào đó.
Tiếp đó là chàng trai Ngọc Thịnh – người từng nắm giữ những thành tích “khủng” tại các cuộc thi rubik quốc tế vượt qua thử thách Cỗ máy rubik. Trên sân khấu xuất hiện 100 khối rubik các loại với số điểm tổng cộng là 100. Sau khi xáo trộn, cứ mỗi 10 giây băng chuyền sẽ đẩy ra 1 khối trong khu vực chỉ định, người chơi phải tính toán và khôi phục các khối rubik này về nguyên trạng.
Sân khấu bừng sáng, những sắc màu rubik lấp lánh khiến cả MC và người xem hồi hộp. Không làm mọi người thất vọng, Ngọc Thịnh xuất sắc chinh phục thử thách, đạt tổng điểm các khối rubik cộng lại là 90.
Sang đến tập 3, “Siêu trí tuệ Việt Nam” xuất hiện thần đồng toán học 12 tuổi khiến giám khảo “nổi da gà”. Nhà báo Lại Văn Sâm sững sờ, MC Trấn Thành tròn mắt thán phục còn ca sĩ Tóc Tiên không kìm nén được cảm xúc phải kêu “trời”. Đó là cậu bé 12 tuổi Gia Hưng sở hữu khả năng tính nhẩm tuyệt đỉnh khi bị thách thức trước hàng trăm con số cùng hàng chục phép tính. Cậu bé không được sử dụng bất kỳ dụng cụ hỗ trợ tính toán nào và phải vượt qua 6 hạng mục tính nhẩm bao gồm: Phép tính cộng gồm 20 số, mỗi số có 3 chữ số được xuất hiện liên tiếp trong 15 giây; phép tính cộng - trừ gồm 20 số, mỗi số có 4 chữ số xuất hiện liên tiếp trong 20 giây…
Đứng trước thử thách chỉ nghe qua thôi cũng khiến người xem phải “rối não”, nhưng cậu bé 12 tuổi lại tỏ ra vô cùng bình tĩnh và sẵn sàng chinh phục. Khi cậu bé kích hoạt bộ não, trình diễn bộ nhớ, đó là lúc cả sân khấu vỡ òa và sung sướng chẳng khác nào giây phút một người đẹp đăng quang hoa hậu.
Chạm đúng “cơn khát” của khán giả
Những tiết mục “hại não” nhưng đầy lôi cuốn trong từng tập phát sóng của “Siêu trí tuệ Việt Nam” đang khiến một bộ phận khán giả ngay lập tức dành thời gian ngồi trước màn hình ti vi mỗi thứ Bảy hàng tuần. Điều dễ nhận thấy là không chỉ khán giả, ngay cả MC dẫn chương trình cũng trở nên “bấn loạn”, ngả mũ trước màn thi trí tuệ kịch tính của các thí sinh.
Rất nhiều khán giả ca ngợi trên trang cá nhân, chủ yếu là cảm xúc khâm phục và tự hào dân tộc. Trấn Thành trong một tập đã rưng rung xúc động: “Tại sao tôi rơi nước mắt quý vị biết không? Vì chưa bao giờ tôi cảm thấy yêu nước như thế này”.
Rõ ràng, những chương trình có tính trí tuệ cao vẫn đang là “cơn khát” mà khán giả trông đợi bấy lâu. Nhiều khán giả tò mò, nghi ngại về tính khả thi lâu dài của gameshow hiếm có này: “Siêu trí tuệ” ở Việt Nam có bao nhiêu người? Chương trình có đang phải mò kim đáy bể để tìm thí sinh không? Liệu gameshow có bị chết yểu?
Tất nhiên, hành trình tìm kiếm và đưa các nhân tài lên ánh đèn sân khấu không phải chuyện dễ dàng. Nhưng theo bà Nguyễn Thị Tố Uyên, Giám đốc nội dung DID TV – đơn vị sản xuất và phát sóng chương trình, ekip phải liên hệ nhiều cá nhân, tổ chức để hỏi thăm họ có biết những tài năng này tồn tại hay không, hoặc có nghe nói về họ không. “Thậm chí, chúng tôi liên hệ đến cả những tổ chức quốc tế từng tổ chức những dạng chương trình này, xem họ có biết người Việt nào có khả năng để tham gia Siêu trí tuệ Việt Nam” – bà tiết lộ với báo giới.
Cũng theo bà Uyên, ekip đã tham khảo các nước từng tổ chức sản xuất chương trình này, hầu như nước nào cũng bắt đầu như Việt Nam: mùa đầu tìm kiếm tài năng rất khó, mùa 2 sẽ “dễ thở” hơn. Như thế, người xem hoàn toàn có thể đặt niềm tin vào một game show trí tuệ ở mùa 1, rồi tiếp mùa 2, mùa 3...