Ngày 12/10, Bệnh viện đa khoa Sóc Sơn tổ chức hội nghị thẩm định bệnh án điện tử (EMR) . PGS.TS. Trần Quý Tường, Chủ tịch Hội tin học Y tế Việt Nam làm Chủ tịch hội đồng thẩm định.
Hội đồng thẩm định gồm 15 thành viên tiến hành thẩm định, đánh giá việc sử dụng và lưu trữ hồ sơ bệnh án điện tử, lưu trữ và truyền tải hình ảnh y tế thay cho in phim, lưu trữ thông tin xét nghiệm thay thế cho việc in giấy.
Bệnh viện đa khoa Sóc Sơn là một bệnh viện đa khoa hạng II trực thuộc Sở Y tế Hà Nội, với 17 khoa và 7 phòng chức năng. Bệnh viện có quy mô 360 giường bệnh kế hoạch, tổng số giường thực kê là 390 giường. Trong năm 2023, bệnh viện đã thực hiện khám cho hơn 134.600 lượt bệnh nhân; số bệnh nhân điều trị nội trú gần 23.000 bệnh nhân; công suất sử dụng giường bệnh đạt 87%.
Tại hội nghị, đại diện Bệnh viện đa khoa Sóc Sơn đã báo cáo kết quả xây dựng bệnh án điện tử theo Thông tư 54/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 và Thông tư số 46/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 của Bộ Y tế
Sau khi nghe báo cáo, Hội đồng thẩm định đã trực tiếp khảo sát, kiểm tra cơ sở hạ tầng, thực trạng hoạt động các phần mềm tại các khoa Khám bệnh, khoa Ngoại, khoa Chẩn đoán hình ảnh và khoa Xét nghiệm... Kết quả, việc triển khai hệ thống công nghệ thông tin của bệnh viện đáp ứng yêu cầu triển khai hồ sơ bệnh án điện tử.
Hội đồng thẩm định đã bỏ phiếu thống nhất Bệnh viện đa khoa Sóc Sơn đủ điều kiện để triển khai bệnh án điện tử thay thế hoàn toàn bệnh án giấy.
Kết luận tại buổi làm việc, PGS.TS Trần Quý Tường đề nghị bệnh viện tiếp tục hoàn thiện các quy chế, quy định đầy đủ, chi tiết hơn, tiếp tục nâng cấp và bổ sung thiết bị, phần mềm để phục vụ tốt cho việc triển khai bệnh án điện tử chính thức.
PGS.TS Trần Quý Tường lưu ý, bệnh viện cần đảm bảo hệ thống lưu trữ dữ liệu, xây dựng kế hoạch lưu trữ dữ liệu hàng năm, đảm bảo an toàn và bảo mật thông tin; bổ sung sơ đồ hệ thống mạng theo từng cấp độ để triển khai phần mềm chính xác, hiệu quả hơn.
Hiện nay, thành phố Hà Nội có 42 bệnh viện công lập nhưng hiện chỉ có 6 bệnh viện triển khai bệnh án điện tử, bao gồm: Bệnh viện Phụ sản Hà Nội; Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn; Bệnh viện đa khoa huyện Mỹ Đức; Bệnh viện đa khoa Vân Đình và Bệnh viện đa khoa Hòe Nhai, Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì.
Bên cạnh đó, có 38/43 bệnh viện (đạt tỷ lệ 88%) triển khai thanh toán không dùng tiền mặt; trong đó có một số đơn vị triển khai hiệu quả như: Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn; Bệnh viện đa khoa Đức Giang; Bệnh viện đa khoa huyện Mỹ Đức và Bệnh viện đa khoa Vân Đình.
Bệnh viện đa khoa Sóc Sơn triển khai thí điểm bệnh án điện tử từ đầu năm 2024. Việc ứng dụng bệnh án điện tử thay thế cho bệnh án giấy là bước đi đột phá quan trọng trong ứng dụng công nghệ thông tin trong chuyển đổi số của ngành Y tế. Bệnh án điện tử giúp giảm sai sót về chuyên môn; nâng cao hiệu quả, chất lượng, giúp lưu trữ chi tiết thông tin lịch sử của người bệnh; tăng cường tính tương tác giữa người bệnh và nhân viên y tế.
Đồng thời, bệnh án điện tử giúp tối ưu hóa quy trình khám chữa bệnh, đồng bộ thông tin từ lúc tiếp nhận đến khi ra viện, tiết kiệm thời gian cho bác sĩ và người bệnh, tăng tính minh bạch và giảm rủi ro cho người bệnh.