Sau khi nghe báo cáo của các đơn vị về kết quả triển khai, cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt là cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, các thách thức toàn cầu nổi lên gay gắt, nhất là đại dịch Covid-19, tác động sâu sắc tới hoạt động của các thể chế đa phương.
Trong tình hình đó, Bộ trưởng cho rằng công tác đối ngoại đa phương cần phải tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt và đồng bộ theo tinh thần Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra là “chủ động tham gia, tích cực đóng góp, nâng cao vai trò của Việt Nam trong xây dựng, định hình các thể chế đa phương và trật tự chính trị-kinh tế quốc tế” và “trong các vấn đề, các cơ chế quan trọng, có tầm chiến lược đối với lợi ích Việt Nam, phù hợp với khả năng và điều kiện cụ thể”.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đánh giá cao những kết quả đạt được trong triển khai công tác đối ngoại đa phương, nhất là những trọng trách đa phương quan trọng Việt Nam đã đảm nhiệm, nổi bật là Chủ nhà APEC 2017, Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021..., cũng như sự tham gia chủ động, tích cực tại các cơ chế, diễn đàn đa phương quan trọng như ASEAN, LHQ, các cơ chế hợp tác tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương, trong đó có các cơ chế hợp tác tiểu vùng.
Công tác đối ngoại đa phương đã góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam, thúc đẩy quan hệ song phương với các nước, các đối tác quan trọng, nhất là các nước lớn, bảo đảm và thúc đẩy lợi ích của Việt Nam về tạo dựng môi trường quốc tế và khu vực hòa bình, ổn định, huy động nguồn lực, tri thức, tạo khuôn khổ phục vụ nhu cầu phát triển đất nước, phục vụ người dân, địa phương và doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn chỉ đạo các đơn vị Bộ Ngoại giao tiếp tục công tác quán triệt, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của đối ngoại đa phương; tăng cường trao đổi và xây dựng cơ chế phối hợp với các cơ quan, bộ, ban, ngành liên quan về đối ngoại đa phương nhằm tạo sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp.
Bên cạnh việc xác định rõ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai và đề ra các biện pháp tháo gỡ, các đơn vị cần chủ động phát hiện vấn đề, xác định các tiêu chí, ưu tiên, trọng điểm nhằm phát huy vai trò nòng cốt, dẫn dắt, hòa giải tại các cơ chế đa phương và trong các vấn đề Việt Nam có lợi ích và thế mạnh.
Ngoài ra, các đơn vị cần chú trọng công tác đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu công tác đa phương trong tình hình mới.