Theo ông Đỗ Ngọc Hưng, tính tới hết tháng 10/2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mỹ đạt trên 1,9 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Ba sản phẩm xuất khẩu chủ lực sang Mỹ là tôm, cá tra và cá ngừ, chiếm lần lượt 38%, 26% và 23% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản sang thị trường này.
Trong 10 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra sang Mỹ đạt 491 triệu USD, tăng 70%. Tuy nhiên từ tháng 7 đến nay, xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang Mỹ chỉ dao động trong khoảng 32-33 triệu USD mỗi tháng, sụt giảm đáng kể so với mức đỉnh 81 triệu USD hồi tháng 4/2022.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp Mỹ, tính đến hết quý III/2022, cá tra phile đông lạnh của Việt Nam xuất sang Mỹ tăng 19% về lượng và 66% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm gần 60% tổng khối lượng và 43% tổng giá trị các loại cá nhập từ Việt Nam sang Mỹ. Đây cũng là sản phẩm có giá nhập khẩu tăng nhiều nhất trong các sản phẩm thuỷ sản nhập vào Mỹ trong 3 quý đầu năm nay. Số liệu cũng cho thấy hơn 90% khối lượng cá tra đang bán tại thị trường Mỹ có xuất xứ từ Việt Nam.
Tuy nhiên, việc xuất khẩu và tiêu thụ cá tra của Việt Nam tại thị trường khó tính như Mỹ đang tồn tại một số khó khăn. Đơn cử như cá tra Việt Nam bị áp thuế chống bán phá giá và phải chịu cạnh tranh trực tiếp từ các quốc gia như Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia và Ecuador, dẫn đến thị phần bị thu hẹp cho dù vẫn chiếm lĩnh thị trường. Sản phẩm cá tra Việt Nam chưa có độ phủ sóng và nhận diện đối với người tiêu dùng Mỹ và hầu như vắng bóng trong thực đơn các nhà hàng. Sau một thời gian tăng trưởng nóng, lượng tồn kho cá tra tại thị trường Mỹ tăng lên, tiêu thụ có phần chững lại do tình hình lạm phát và giá bắt đầu giảm.
Trong bối cảnh đó, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ đã tích cực triển khai các biện pháp hỗ trợ, xúc tiến thương mại đối với mặt hàng cá tra nói riêng và các mặt hàng thủy sản của Việt Nam nói chung. Cơ quan này phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cùng các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra và các đối tác bên phía Hoa Kỳ để xử lý những vấn đề liên quan nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp Việt Nam trong các vụ việc phòng vệ thương mại. Ngoài ra, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cũng đã chia sẻ thông tin thị trường và xu hướng tiêu dùng thủy sản nói chung, cá tra nói riêng tới Hiệp hội VASEP cùng các doanh nghiệp; phối hợp với các bên liên quan, đặc biệt là Cơ quan Thanh tra An toàn Thực phẩm của Bộ Nông nghiệp Mỹ, để thúc đẩy bổ sung mặt hàng cá tra da nhiệt được phép nhập khẩu vào Mỹ.
Đánh giá về cơ hội và thách thức đối với mặt hàng cá tra nói riêng và thủy sản nói chung của Việt Nam tại thị trường Mỹ trong năm 2023, Tham tán Thương mại Đỗ Ngọc Hưng cho rằng những khó khăn nảy sinh từ nửa cuối năm 2022 có thể sẽ tiếp tục chi phối sang năm 2023 do kinh tế toàn cầu có nguy cơ suy thoái, lạm phát tại Mỹ dù đã giảm nhưng vẫn ở mức cao, cộng thêm yếu tố biến động tỷ giá và cạnh tranh gay gắt hơn từ các đối thủ có chi phí thấp, giá bán rẻ. Ông Đỗ Ngọc Hưng cho rằng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mỹ, trong đó có những sản phẩm chủ lực như tôm, cá tra và cá ngừ, sẽ phải rất nỗ lực mới đạt được mức tăng trưởng như năm 2022.
Tuy nhiên, có một dấu hiệu tích cực là Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã có kế hoạch mua 1,44 triệu pound các sản phẩm cá da trơn cho các chương trình hỗ trợ thực phẩm của chính phủ dành cho đối tượng tham gia chương trình Build Back Better của Tổng thống Joe Biden. Cá tra, với giá thành thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung của các loại cá da trơn, đã trở thành ưu tiên lựa chọn nhập khẩu của USDA. Việc giao hàng được thực hiện từ ngày 1/11/2022 - 31/1/2023.
Bên cạnh đó, việc nhiều gia đình tại Mỹ thay đổi thói quen tiêu dùng kể từ khi xảy ra đại dịch COVID-19, trong đó có việc tiêu dùng hải sản tại nhà thay vì ra các cửa hàng và thường mua những mặt hàng hải sản có giá thấp hơn, sẽ là cơ hội tốt để sản phẩm cá tra và các mặt hàng thủy sản khác của Việt Nam tiến gần bàn ăn của các gia đình Mỹ và giành được thị phần tại thị trường khó tính này trong năm 2023.