Trong năm 2022, phải khởi công được các dự án cao tốc Bắc- Nam giai đoạn 2

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Khẳng định phải coi phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong năm 2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Giao thông vận tải phải xây dựng được “đường găng” bảo đảm cuối năm 2022, 12 dự án thành phần của tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2 phải được khởi công…

Sáng nay, 25/12, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tới các điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Trong năm 2022, phải khởi công được các dự án cao tốc Bắc- Nam giai đoạn 2 ảnh 1

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành phát biểu chỉ đạo Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2022 của Bộ Giao thông vận tải. - Ảnh: VGP/Đức Tuân

Bộ đầu tiên hoàn thành quy hoạch ngành quốc gia

“Công tác lập các quy hoạch quốc gia chuyên ngành GTVT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu được Bộ tập trung hoàn thành theo chỉ đạo của Chính phủ”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm trình bày báo cáo tổng kết.

Bộ GTVT đã tổ chức công bố 4/5 quy hoạch về đường bộ, hàng hải, đường sắt, đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Riêng quy hoạch ngành hàng không, Bộ đã hoàn thiện theo chỉ đạo của Thường trực Chính phủ và trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12/2021.

Ông Nguyễn Duy Lâm cho biết đến nay, Bộ đã hoàn thành thủ tục và khởi công 18 dự án, hoàn thành đưa vào khai thác 14 dự án, điển hình như dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, khởi công dự án tuyến tránh Quốc lộ 91 qua Long Xuyên, dự án kết nối giao thông miền núi phía Bắc…

Năm 2021, Bộ GTVT được giao kế hoạch vốn đầu tư công rất lớn, lên tới hơn 43.000 tỷ đồng. Trong điều kiện gặp rất nhiều khó khăn, nhưng cơ bản Bộ đã hoàn thành kế hoạch giải ngân, đạt 96%.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục như công tác giải phóng mặt bằng chưa được xử lý dứt điểm; còn thiếu nguồn cung ứng vật liệu tại một số dự án; tiến độ triển khai thi công một số dự án còn chậm so với kế hoạch yêu cầu; công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là kết cấu hạ tầng đường bộ đôi lúc còn chưa kịp thời, chưa đồng bộ.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng năm 2021, toàn ngành GTVT đối mặt áp lực rất lớn, phải đảm bảo giao thông thông suốt trong điều kiện phòng, chống COVID-19. Cùng lúc đó phải triển khai các dự án trọng điểm quốc gia đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn tiếp theo.

“Trước nhiệm vụ đặt ra, lãnh đạo Bộ cùng toàn thể cán bộ, người lao động ngành GTVT đã nỗ lực rất lớn, song, quá trình thực hiện gặp rất nhiều khó khăn vướng mắc. Nếu không có sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chắc chắn Bộ GTVT sẽ khó hoàn thành được nhiệm vụ”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng dẫn chứng trước việc thiếu hơn 60 triệu m3 vật liệu phục vụ thi công cao tốc Bắc-Nam phía Đông, Chính phủ đã nhanh chóng ban hành Nghị quyết 60 và Nghị quyết 133 giúp ngành GTVT sớm khơi thông được nguồn vật liệu để tổ chức thi công.

Xác định giao thông là mạch máu của nền kinh tế, giao thông được mở đến đâu thì kinh tế phát triển đến đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định thời gian tới, Bộ GTVT sẽ nỗ lực phát huy kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Trong năm 2022, phải khởi công được các dự án cao tốc Bắc- Nam giai đoạn 2 ảnh 2

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể: "Nếu không có sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chắc chắn Bộ GTVT sẽ khó hoàn thành được nhiệm vụ". - Ảnh: VGP/Đức Tuân

Trọng tâm phát triển hệ thống đường cao tốc Bắc-Nam

Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ghi nhận, biểu dương ngành GTVT đã nỗ lực hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng, qua đó có đóng góp to lớn vào kết quả chung mà cả nước đạt được năm 2021.

Năm 2021, Bộ đã hoàn thành toàn bộ 5 quy hoạch ngành quốc gia được giao chủ trì. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng, làm tiền đề để thực hiện thành công các mục tiêu về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. “Có quy hoạch thì mới thu hút được đầu tư, mới tạo ra dư địa để phát triển”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh. “Trong mấy tháng liên tục, các đồng chí rất tích cực, không kể đêm hôm, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, rất bài bản, xin ý kiến rộng rãi các bộ ngành, địa phương. Bộ GTVT là một trong những bộ ngành hoàn thành xuất sắc nhất nhiệm vụ này, tạo tiền đề cho sự phát triển”.

Trong 6 tháng cuối năm 2021, Bộ GTVT đã hoàn thành 2 nhiệm vụ rất quan trọng mà Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm, gồm: Đề án thực hiện xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050 với mục tiêu hoàn thành đến năm 2025 hoàn thành 3.000 km và năm 2030 đạt 5.000 km đường cao tốc, làm cơ sở cho công tác chuẩn bị nguồn lực có thể thực hiện sớm; Xây dựng trình Chính phủ và Quốc hội thông qua Đề án đầu tư xây dựng đường cao tốc phía Đông giai đoạn 2021-2025 với 12 dự án thành phần (chiều dài 729 km) và đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua theo phương án sử dụng 100% vốn đầu tư công.

Nếu không tập trung cao trong xây dựng quy hoạch, đề án xây dựng cao tốc đến năm 2030 thì vừa qua, Bộ GTVT khó có thể kịp thời xác định nguồn vốn đầu tư, đề xuất Chính phủ đưa vào Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội hậu COVID-19, đảm bảo tiến độ đầu tư trong điều kiện thu hút nguồn vốn PPP vào các dự án đang gặp nhiều khó khăn. "Gần 20 năm qua ngành GTVT mới hoàn thành được 1.200 km đường cao tốc. Bốn năm tới phải hoàn thành 1.800 km, đây là thách thức lớn", Phó Thủ tướng nhìn nhận.

Công tác chỉ đạo, chỉ huy thi công các công trình giao thông của ngành GTVT năm 2021 được tập trung cao, đạt kết quả tốt. Trong năm 2021, ngành đã triển khai 11 dự án cao tốc Bắc -Nam phía Đông giai đoạn 1. Nhiệm vụ giải phóng mặt bằng 5.000 ha đã đạt 99,97%. Tiến độ thi công cơ bản bám sát kế hoạch, đảm bảo hiệu quả giải ngân vốn đầu tư hơn 40.000 tỷ đồng - một nhiệm vụ không hề dễ dàng để trở thành một trong những Bộ có tỷ lệ giải ngân cao nhất.

Trước tình huống thiếu trầm trọng vật liệu xây dựng các tuyến cao tốc, Bộ GTVT đã tích cực tham mưu Chính phủ ban hành 2 nghị quyết chỉ trong 3 tháng (Nghị quyết 60 và Nghị quyết 133) để giải quyết tình trạng thiếu vật liệu thi công cao tốc Bắc - Nam (tới hơn 60 triệu m3). “Nếu không giải quyết kịp thời thì nhà thầu không thể thi công dù có tiền, có máy móc thiết bị”.

Theo Phó Thủ tướng, trong năm 2021, công tác bảo đảm hoạt động vận tải, lưu thông trong điều kiện phòng chống dịch COVID-19 được thực hiện tốt. Bộ GTVT kịp thời tham mưu Chính phủ thiết lập luồng xanh vận tải, bảo đảm thông suốt hàng hóa. Bộ đã cử những đoàn công tác trực tiếp đi kiểm tra, tháo gỡ khó khăn tại các “điểm nóng”, giúp doanh nghiệp duy trì được chuỗi cung ứng hàng hóa. Nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông tiếp tục được cải thiện. Tình hình tai nạn giao thông giảm trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và bị thương).

Công tác xây dựng hoàn thiện thể chế chính sách trong các lĩnh vực giao thông vận tải được quan tâm, triển khai có hiệu quả theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Qua đó, đã góp phần khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Theo Phó Thủ tướng, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành GTVT còn có những tồn tại hạn chế cần sớm có giải pháp khắc phục như tồn tại trong lĩnh vực đầu tư, quản lý phương tiện, về phân cấp, phân quyền…

Trong năm 2022, phải khởi công được các dự án cao tốc Bắc- Nam giai đoạn 2 ảnh 3

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh: “Bộ GTVT phải coi phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong năm 2022”. - Ảnh: VGP/Đức Tuân

Phân bổ vốn hợp lý, tránh dàn trải

Thống nhất với các giải pháp mà Bộ GTVT đưa ra trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh: “Bộ GTVT phải coi phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong năm 2022”.

Phó Thủ tướng nêu rõ trong năm 2022, cần tập trung cao cho việc thực hiện thủ tục đầu tư dự án cao tốc phía Đông giai đoạn 2, yêu cầu rút kinh nghiệm từ việc triển khai các dự án giai đoạn 1. Bộ GTVT phải xây dựng được “đường găng” tiến độ rõ ràng, bảo đảm cuối năm 2022, 12 dự án thành phần của tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2 phải được khởi công để có thể khánh thành, đưa vào khai thác năm 2024-2025. Nếu không có đổi mới, quyết tâm lớn thì sẽ không hoàn thành được nhiệm vụ này dù có đủ nguồn vốn, nên cần có giải pháp cụ thể.

Bên cạnh hạ tầng đường bộ, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT tập trung cho các dự án đầu tư trọng điểm lĩnh vực hàng không như: Dự án sân bay Long Thành, mở rộng sân bay Nội Bài; khởi công một số cảng hàng không mới theo quy hoạch…

Phó Thủ tướng cũng lưu ý việc ưu tiên nguồn lực để hiện đại hoá ngành đường sắt, đường thuỷ. Trong đó, sớm phân bổ phí bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Phối hợp chuẩn bị chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, bảo đảm sớm trình Bộ Chính trị cho ý kiến và trình Quốc hội về chủ trương đầu tư một số tuyến ưu tiên theo quy định của pháp luật. Nghiên cứu đề xuất đầu tư một số tuyến đường sắt nhằm tăng cường kết nối các trung tâm kinh tế lớn, khu vực động lực phát triển, cửa khẩu và cửa ngõ giao thông quan trọng... Đối với cảng biển, sớm đầu tư xây dựng một số cảng trọng điểm theo quy hoạch, trong đó có cảng Trần Đề (Sóc Trăng).

Bộ GTVT cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp trong lưu thông hàng hóa, vận tải hành khách gắn với phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Phó Thủ tướng nhắc lại yêu cầu các địa phương tuyệt đối không ban hành các văn bản gây khó khăn, cản trở lưu thông hàng hóa. Đặc biệt chú ý công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông; tăng cường kiểm tra, kiểm soát phương tiện quá khổ, quá tải, đào tạo lái xe…

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT phải rà soát lại nguồn vốn đầu tư, bảo đảm phân bổ hợp lý, tránh dàn trải, lãng phí, tuyệt đối chống tiêu cực, tham nhũng bởi lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản có nguy cơ dễ xảy ra tiêu cực. Cần chú ý lựa chọn nhà thầu đủ năng lực, có đầy đủ trang thiết bị, có kinh nghiệm, tiềm lực để triển khai các dự án.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ muốn làm nhanh, làm mạnh thì dứt khoát phải làm đúng, phải chống tiêu cực.

Theo Báo Chính phủ
Ảnh minh họa
WHO ra mắt mạng lưới toàn cầu mới giám sát virus corona
(Ngày Nay) -  Ngày 27/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ra mắt mạng lưới toàn cầu mới về virus corona CoViNet để phát hiện, theo dõi và đánh giá sớm cũng như chính xác các virus SARS-CoV-2, MERS-CoV và các chủng virus corona mới đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng
Việt Nam hoan nghênh Nghị quyết về việc ngừng bắn tại Dải Gaza
(Ngày Nay) - Ngày 27/3, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết 2728 về việc ngừng bắn tại Dải Gaza, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khẳng định:
Ảnh minh họa
Giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông để lừa đảo
(Ngày Nay) -  Ngày 28/3, ông Bùi Thanh Toàn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu cho biết, thời gian qua, Sở liên tục nhận được phản ánh có dấu hiệu lừa đảo khi một số đối tượng giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu gọi điện cho cán bộ lãnh đạo của một số sở, ngành, địa phương và người dân.
UNESCO kêu gọi thúc đẩy giáo dục hòa nhập. Ảnh: UNESCO/Marie ETCHEGOYEN
Tôn vinh và ủng hộ sự hòa nhập trong giáo dục
(Ngày Nay) - Kỷ niệm 30 năm Tuyên bố Salamanca hồi giữa tháng 3/2024, cộng đồng quốc tế đã cam kết tiếp tục nỗ lực hướng tới môi trường giáo dục hòa nhập và công bằng cho tất cả mọi người.