Một trong những thế mạnh lớn nhất của Donald Trump đã giúp ông xây dựng thành công thương hiệu trên toàn thế giới là sự chú trọng hết mức vào những chi tiết nhỏ nhặt. Song phong cách quản lý tiểu tiết này có thể là trở ngại lớn đối với ông trên cương vị tổng thống, những nhà sử học nghiên cứu về các đời tổng thống Mỹ cảnh báo.
Nhà quản lý vi mô
Những cuộc phỏng vấn mà Reuters thực hiện với hàng chục người biết rõ cách ông Trump điều hành công việc kinh doanh cho thấy tổng thống đắc cử Mỹ là một nhà quản lý vi mô. Một ví dụ điển hình là Trump thường xuyên tranh luận những chi tiết nhỏ nhặt về cách bài trí bên trong các dự án bất động sản hay những nhãn hàng hóa đứng tên ông.
"Tôi là người chú trọng nhiều đến chi tiết", Trump nói trong đoạn video giải thích về vụ ông kiện hai đầu bếp nổi tiếng vì hủy kế hoạch mở nhà hàng tại Khách sạn Quốc tế Trump hồi tháng 6. "Tôi tham gia thiết kế công trình này từ kích cỡ phòng ốc, lối vào tiền sảnh cho đến đá cẩm thạch lát sàn, phòng tắm, đồ nội thất, các quầy bar cùng nhiều thứ khác", ông cho biết.
Hôm 30/11, Trump thông báo sẽ hoàn toàn rời bỏ việc kinh doanh để tập trung đảm trách công việc của một tổng thống. Tuy nhiên, những người từng làm việc với ông Trump cho rằng thói quen quản lý tiểu tiết đã ăn sâu vào máu nhà tài phiệt New York và rất khó để từ bỏ. Đây có thể là cái cớ để những người chỉ trích Trump công kích rằng các quyết sách ông đề ra trên cương vị tổng thống sẽ bị ảnh hưởng bởi những lợi ích cá nhân.
Một cựu nhân viên thuộc tập đoàn Trump Organization, người từng làm việc sát cánh bên Trump, tỏ ra nghi ngờ trước tuyên bố tỷ phú New York sẽ từ bỏ đế chế kinh doanh tỷ USD mà ông mất nhiều thập kỷ gây dựng.
"Tôi không thể hình dung ra viễn cảnh ông ấy chịu gác bỏ nó để chuyên tâm làm tổng thống", người này nói.
Bình luận viên Emily Flitter từ Reuters cho rằng thậm chí nếu ông Trump thực sự dứt hẳn được việc kinh doanh, ông vẫn cần tránh thói quen cố hữu sa đà vào những chi tiết vụn vặt trong công việc hành chính ở Nhà Trắng.
Các nhà quản lý vi mô hiếm khi thành công ở ghế tổng thống, Rick Ghere, một trợ lý giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Dayton, bang Ohio, nhận định. Ghere cho rằng để điều hành công việc hiệu quả, các tổng thống phải giao quyền cho những thành viên nội các và tham vấn ý kiến từ nhiều chuyên gia.
"Làm người đưa ra quyết định trên một chiếc ghế công quyền cấp cao rất khác với việc trở thành một giám đốc điều hành", Ghere đánh giá.
Trump thông báo ông sẽ giao quyền điều hành tập đoàn Trump Organization cho ba người con lớn đang quản lý các dự án bất động sản của đế chế Trump trên khắp thế giới. Ví dụ Ivanka , ái nữ nhà Trump, từng được giao quyền giám sát dự án trị giá 200 triệu USD cải tạo tòa nhà bưu điện Old Post Office Pavilion ở Washington D.C. thành Khách sạn Quốc tế Trump.
Tuy nhiên, tại các dự án Trump ủy quyền, ông vẫn không thể hoàn toàn dứt bỏ mối quan tâm, ngay cả đối với những chi tiết nhỏ. Hai nhân viên từng tham gia cùng Trump trong chuyến thị sát xây dựng dự án Khách sạn Quốc tế Trump ngay trước khi ông tuyên bố ra tranh cử tổng thống hồi năm ngoái nhớ lại cảnh doanh nhân tỷ phú "nổi trận lôi đình" chỉ vì việc tu bổ mặt ngoài các cánh cửa sổ không như ông mong muốn.
Trump cho rằng những cánh cửa sổ ấy trông rất xấu dù một trong những nguồn tin nắm rõ câu chuyện nói chúng không có bất cứ vấn đề gì. Ông yêu cầu không trả tiền cho nhà thầu nhưng sau đó ông được thông báo nhà thầu sẽ sửa sang các cửa sổ miễn phí với hy vọng có thể giành những hợp đồng tiếp theo từ gia đình Trump.
Nguồn tin trên cùng hai nhân viên thị sát công trình Khách sạn Quốc tế Trump cũng cho biết Ivanka đôi khi cần sự tán thành từ cha trước khi đặt bút ký những quyết định quan trọng liên quan đến dự án. Họ xác nhận Ivanka không ít lần nói muốn "trao đổi với cha" hay "hỏi ý kiến cha ở New York".
Theo Hope Hicks, người phát ngôn của Trump, ông "có thiên hướng sâu sát các chi tiết đáng kinh ngạc".
Ảnh Donald Trump được dán bên trong một thang máy vận chuyển hàng hóa ở Tháp Trump tại New York. Ảnh: Reuter. |
Soi xét từng chi tiết
Trump nổi danh là nhà quản lý vi mô ngay từ lúc ông bắt tay thực hiện những dự án đầu tiên. Trong cuốn tự truyện mang tên "Cô độc trên tầng 68", Barbara Res, cựu phó chủ tịch tập đoàn Trump Organization, người giám sát thi công Tháp Trump ở Manhattan, New York, đã kể lại chuyện nhà tài phiệt Mỹ băn khoăn về chiều cao cũng như độ dày tán lá của những cây trồng trang trí tại khuôn viên Tháp Trump vào năm 1983.
Hơn ba thập kỷ sau, ông Trump lại mang phong cách quản lý tiểu tiết này vào hành trình vận động tranh cử tổng thống. Ba nguồn tin làm việc trong ban vận động tranh cử của Trump tiết lộ ông tự đưa ra hầu hết các quyết định về chi tiêu, chiến lược, gửi email cho cử tri...
Theo họ, những quản lý cấp cao trong ban vận động tranh cử phải vất vả có mặt trên máy bay của Trump sớm vì sợ nếu họ lỡ chuyến bay, ông sẽ thay đổi phương hướng chiến lược và họ sẽ bị Trump loại bỏ.
Khi Paul Manafort, quản lý chiến dịch tranh cử của Trump, được ông cho phép chi 20 triệu USD để thuê nhân viên hiện trường, ông đã rất vui mừng, theo một thành viên Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa (RNC), người tham gia cuộc họp giữa RNC và Manafort hồi tháng 4.
Tuy nhiên, một số người thấy khó hiểu ở chỗ: Vì sao Manafort cần Trump phê duyệt một khoản chi tiêu thiết yếu như vậy và tại sao số tiền phê duyệt quá ít? Vào giai đoạn này trong năm bầu cử, các ứng viên tổng thống trước đây thường chi đến 80 triệu USD để thuê nhân viên hiện trường.
Manafort giải thích nếu như hầu hết các ứng viên tổng thống khác chỉ đơn giản phê duyệt tổng ngân sách cho chiến dịch tranh cử hơn là xem xét từng khoản chi cụ thể, Trump hành động khác vì ông tự đóng một phần tiền túi cho quỹ vận động tranh cử. "Tôi hiểu điều này và hoàn toàn nhất trí cách làm đó", ông Manafort nói.
Ở giai đoạn sau của chiến dịch, Trump vẫn quan tâm đến từng chi tiết. Hồi tháng 10, ông kiên quyết đòi thẩm định nội dung bản quảng cáo tranh cử phát sóng trên các đài truyền thanh nhắm đến nhóm cử tri da đen, theo một nguồn tin trong ban quản lý chiến dịch.
Quản lý vi mô không nhất thiết dẫn đến thảm họa. Các tổng thống Mỹ như Abraham Lincoln, Jimmy Carter và Barack Obama đều nổi tiếng là những nhà quản lý vi mô, Nancy Koehn, giáo sư chuyên nghiên cứu về lịch sử giới lãnh đạo Mỹ thuộc Trường Kinh doanh Harvard, nhận xét. Tuy nhiên, Koehn cho rằng phong cách quản lý vi mô đi kèm với việc thiếu kinh nghiệm trong cơ quan công quyền là một sự kết hợp có thể gây nguy hại.
"Tôi nghĩ việc đi sâu vào các lĩnh vực ông ấy quá ít kinh nghiệm mà không cần đến một nhóm chuyên gia đặc biệt hỗ trợ có khả năng dẫn đến những quyết sách sai lầm và gây ra hậu quả khôn lường", Koehn bình luận.