"Trung Quốc đang ngày càng lợi dụng các quỹ đầu tư của Mỹ để thu thập nguồn lực, cho phép phát triển và hiện đại hóa quân đội, tình báo và bộ máy an ninh của họ", sắc lệnh được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký hôm 12/11 có đoạn viết.
Sắc lệnh có hiệu lực vào ngày 11/1/2021, chỉ vài ngày trước khi nhiệm kỳ của Trump chấm dứt, cấm doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào 31 công ty Trung Quốc bị Washington coi là có liên hệ hoặc được quân đội Trung Quốc kiểm soát. Nó cũng cấm các công ty Mỹ mua bán cổ phấn tại những tập đoàn Trung Quốc sau 60 ngày tính từ thời điểm họ bị coi là doanh nghiệp quân đội.
"Các khoản đầu tư đang giúp Trung Quốc trực tiếp đe dọa lãnh thổ Mỹ và lực lượng Mỹ ở nước ngoài, trong đó bao gồm phát triển và triển khai vũ khí hủy diệt hàng loạt, vũ khí thông thường tiên tiến, cùng những hoạt động xấu trên không gian mạng nhằm vào nước Mỹ và người dân Mỹ", sắc lệnh có đoạn viết.
Đây là thay đổi chính sách lớn đầu tiên được Tổng thống Trump áp dụng từ sau cuộc bầu cử đầu tháng 11, cho thấy ông đang tận dụng những tháng cuối cùng trong nhiệm kỳ để gây áp lực với Trung Quốc, ngay cả khi ông chủ Nhà Trắng đang tập trung vào thách thức kết quả bỏ phiếu.
"Đây là sắc lệnh mạnh mẽ nhằm cắt đứt nguồn đầu tư của Mỹ vào hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc", Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Peter Navarro cho hay. Các doanh nghiệp Trung Quốc chịu tác động của lệnh cấm nằm trong lĩnh vực viễn thông, hàng không vũ trụ và xây dựng.
Giới chuyên gia và các cựu quan chức Mỹ nhận định Tổng thống Trump có thể thực hiện những động thái vào phút chót nhằm thúc đẩy các ưu tiên của mình, đồng thời "trói tay" người kế nhiệm.
Nếu Trump quyết định rời Nhà Trắng bằng một "tiếng vang", trọng tâm có thể là chính sách đối ngoại, sử dụng những công cụ mà ông có khả năng tung ra nhanh chóng và ít bị cản trở nhất. Trong đó, Trung Quốc dường như là mục tiêu tiềm tàng, khi Trump thường xuyên đổ lỗi cho Bắc Kinh vì Covid-19, đại dịch đã kéo nền kinh tế Mỹ đi xuống, nhấn chìm luôn cả triển vọng tái đắc cử của ông.