Hoạt động do Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận, Hội Di sản văn hóa Việt Nam và cộng đồng người Sán Chay ở các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái phối hợp tổ chức.
Nhiều tài liệu, hiện vật, hình ảnh tiêu biểu liên quan đến đời sống văn hóa của tộc người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận đã được giới thiệu tới đông đảo công chúng, phản ánh văn hóa vật chất (gồm nghề thủ công truyền thống của người Chăm như nghề dệt, nghề làm gốm…) và văn hóa tinh thần (âm nhạc, trang phục, chữ viết, tín ngưỡng, tôn giáo, nghi lễ, hội hè...). Đặc biệt, hoạt động trưng bày còn giới thiệu một số nghi lễ đầu năm của người Chăm được đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia như: Lễ cúng Po Bia Chuai (Ngap Ang Po Bia Chuai)…
Các hoạt động trình diễn nghề dệt vải, nghề làm gốm của dân tộc Chăm do nghệ nhân đến từ tỉnh Ninh Thuận thực hiện thu hút sự quan tâm có người xem. Trong đó, nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Ninh Thuận trải qua hàng thế kỷ và được các thế hệ phụ nữ Chăm giữ gìn, phát triển bằng hình thức “mẹ truyền con nối”, nghề làm gốm Bàu Trúc ở Ninh Thuận hình thành từ khoảng cuối thế kỷ XII đến nay và vẫn duy trì phương thức sản xuất hoàn toàn thủ công thô sơ như từ ngàn năm trước.
Các đại biểu tham quan khu vực trưng bày chuyên đề "Thiên nhiên Việt Nam và Thế giới". Ảnh: Thu Hằng/TTXVN |
Nằm trong hoạt động trưng bày, Ban tổ chức giới thiệu tới công chúng chuyên đề “Thiên nhiên Việt Nam và Thế giới” với những tài liệu, hiện vật, hình ảnh về thế giới tự nhiên cùng một số hoạt động trải nghiệm như: Giới thiệu về nguồn gốc, lịch sử sự sống trên trái đất từ cổ sinh đến hiện tại; sự đa dạng, độc đáo của thế giới sinh vật cũng như tầm quan trọng của đa dạng sinh vật đối với thiên nhiên và con người...
Tại khu vực trưng bày “Môi trường xanh - Tương lai bền vững”, Ban tổ chức giới thiệu một số kết quả nghiên cứu thực hiện nhiệm vụ môi trường của Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam từ năm 2016 đến năm 2022 với mong muốn góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường, khuyến khích sản xuất, sử dụng nguyên liệu thân thiện môi trường nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, hướng tới tương lai xanh và bền vững.
Tại khu vực trưng bày chuyên đề “Bảo tồn di sản văn hóa dân tộc Sán Chay trong đời sống đương đại”, người xem được tìm hiểu thực trạng di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của dân tộc Sán Chay thông qua hoạt động trình diễn của người Sán Chay như Nghi lễ cầu mùa, văn nghệ dân gian, ẩm thực, trò chơi dân gian...
Các bạn trẻ Thái Nguyên tham gia trải nghiệm đan lát. Ảnh: Thu Hằng/TTXVN |
Nội dung thu hút đông đảo các bạn trẻ Thái Nguyên tham gia chính là hoạt động trải nghiệm, thực hành kỹ thuật thủ công truyền thống như đan lát, nhuộm vải từ nguyên liệu tự nhiên, tạo ra sản phẩm từ rác thải nhựa…
Phát biểu tại sự kiện, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, các hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa của cộng đồng, tạo nên sự đổi mới, hấp dẫn đối với công chúng tham quan, đặc biệt là giới trẻ. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và toàn diện, Việt Nam cùng các quốc gia trên thế giới đang nỗ lực hành động, khơi dậy sức sáng tạo và sự trao truyền thế hệ nhằm phát huy giá trị văn hóa thủ công truyền thống mang bản sắc mỗi dân tộc, khuyến khích sự sáng tạo của nghệ nhân. Từ đó làm ra các sản phẩm đem lại lợi ích cho cộng đồng xã hội, bảo vệ môi trường xanh.
Theo kế hoạch, hoạt động trưng bày chuyên đề tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam sẽ được tổ chức trong suốt kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9. Ngoài ra, một số khu vực trưng bày diễn ra đến hết tháng 12/2024 phục vụ du khách.