Mặc dù vậy, giới chức y tế cấp cao Trung Quốc nhấn mạnh, động thái này không báo hiệu việc nới lỏng hoàn toàn các biện pháp chống dịch, mà đó là sự cân nhắc toàn diện dựa trên kinh nghiệm đã tích lũy được để đối phó với các đặc điểm mới của virus SARS-CoV-2.
Ngày 7/12, Cơ chế Phòng ngừa và Kiểm soát Liên hợp chống dịch COVID-19 của Chính phủ Trung Quốc đã công bố một kế hoạch 10 điểm mới nhằm tối ưu hóa hơn nữa phản ứng chống dịch COVID-19, bao gồm giảm tần suất xét nghiệm axit nucleic, loại bỏ việc kiểm tra kết quả axit nucleic âm tính và các yêu cầu về mã sức khỏe khi đến những nơi công cộng, ngoại trừ những địa điểm được chỉ định, đồng thời bãi bỏ các yêu cầu về kiểm tra COVID-19 và mã sức khỏe đối với việc đi lại giữa các khu vực trong nước. Các biện pháp mới quy định rõ những người mắc bệnh có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng đáp ứng được các yêu cầu sẽ được cách ly tại nhà, song họ vẫn có thể chọn giải pháp đi cách ly tập thể.
Những biện pháp mới chủ yếu nhằm vào công tác kiểm soát dịch bệnh trong nước, đã được ban hành sau khi các cơ quan y tế đánh giá toàn diện những biện pháp và kinh nghiệm phòng chống dịch hiện nay, cũng như các vấn đề tồn tại, đặc biệt là sau khi Trung Quốc áp dụng 20 biện pháp vào giữa tháng 11 vừa qua để rút ngắn thời gian cách ly đối với khách quốc tế đến nước này và những người tiếp xúc gần với các ca bệnh được xác nhận, bên cạnh một số biện pháp khác.
Cùng ngày, Cục Quản lý Phòng chống và Kiểm soát dịch bệnh quốc gia Trung Quốc cho biết, nước này đã liên tục điều chỉnh và tối ưu hóa các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát dịch COVID-19. Mọi hoạt động liên quan các biện pháp phòng chống COVID-19 đều lấy người dân làm trung tâm, đồng thời đề cao tính khoa học, chính xác, tập trung vào đặc tính của virus SARS-CoV-2, phù hợp với những thay đổi tình hình ở trong và ngoài nước.
Theo giới chuyên gia y tế Trung Quốc, 10 biện pháp mới trên là những bước đi quan trọng để hướng tới các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát COVID-19 một cách chính xác và khoa học hơn, vì sự phổ biến của biến thể Omicron và các biến thể phụ của nó khiến các biện pháp phòng chống dịch bệnh trước đây trở nên quá tốn kém và cuối cùng không mang lại hiệu quả. Các chuyên gia nhấn mạnh, Trung Quốc cần liên tục điều chỉnh và tối ưu hóa công tác phòng chống dịch bệnh để phân bổ các nguồn lực y tế đang căng thẳng cho những người có nhu cầu và tập trung vào những nhóm dân số dễ bị tổn thương.