Phó Giáo sư Han Fenglu thuộc Đại học Khoa học Địa chất Trung Quốc (Vũ Hán), đồng thời là trưởng nhóm nghiên cứu hóa thạch trên, cho biết hóa thạch tìm thấy ở thành phố Cám Châu, được xác định sơ bộ thuộc nhóm Hadrosauridae. Những phần xương hóa thạch này gồm các bộ phận thuộc hộp sọ, răng, xương sống, xương chi và xương sườn của khủng long. Dựa trên vị trí và kích thước của chúng, các nhà khoa học cho rằng các hóa thạch xương này là của ít nhất 3 con khủng long.
Các nhà khảo cổ trước đó cũng từng phát hiện hóa thạch phôi thai của Hadrosauridae tại Cám Châu, nhưng chưa có những nghiên cứu chi tiết về khủng long trưởng thành.
Cho đến nay, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy và đặt tên cho 9 loài khủng long tại Cám Châu. Thành phố này cũng là khu vực tập trung phôi khủng long hóa thạch duy nhất được biết đến trên thế giới.
Kỷ Phấn trắng bắt đầu cách đây 145 triệu năm và kết thúc cách đây 66 triệu năm. Theo các hóa thạch hiện có, hầu hết khủng long ở Cám Châu sống vào cuối kỷ Phấn trắng, rất gần với thời điểm khủng long tuyệt chủng hàng loạt.
Theo nhà nghiên cứu Wang Xiaolin làm việc tại Viện Cổ sinh vật học và Cổ sinh vật có xương sống (thuộc Viện Khoa học Trung Quốc), nghiên cứu về hóa thạch khủng long và trứng khủng long có thể giúp giới khoa học hiểu thêm về cuộc đại tuyệt chủng hàng loạt thứ 5 trên Trái Đất.
Báo cáo của Bảo tàng Cổ sinh vật học Trung Quốc cho biết tính đến tháng 4/2022, nước này đã phát hiện 338 loài khủng long dựa trên hóa thạch xương. Những con khủng long này sống trong các thời kỳ từ đầu kỷ Jura đến cuối kỷ Phấn trắng.