Thành phố thân thiện với trẻ em là thành phố cung cấp điều kiện, môi trường và dịch vụ phù hợp cho sự tăng trưởng và phát triển của trẻ em, bảo vệ hiệu quả quyền sinh tồn, quyền phát triển, quyền được bảo vệ và quyền tham gia của trẻ em. Tính đến nay, Trung Quốc đã có gần 100 thành phố lọt vào danh sách Thành phố thân thiện với trẻ em.
Hiện nay, nhiều thành phố tại Trung Quốc tiếp tục cải thiện việc đi lại an toàn cho trẻ em, mở rộng không gian tham gia văn hóa của trẻ em, cộng đồng thân thiện với trẻ em và xây dựng hệ sinh thái thiên nhiên thân thiện, qua đó công tác xây dựng các thành phố thân thiện với trẻ em đạt được nhiều tiến triển tích cực.
Con đường đến trường an toàn, trước cửa nhà hạnh phúc
Một con ngõ dài khoảng 200m trên phố Bạch Vân, quận Việt Tú, thành phố Quảng Châu, đã gây sự chú ý của nhiều người khi qua đây, vì con đường này được xây dựng là con đường đến trường an toàn của trẻ em.
Để được như hiện nay, chính quyền địa phương đã đầu tư trải nhựa trên nền đường xi măng đã xuống cấp, xây dựng hệ thống giao thông chậm bằng cách bố trí các cột dừng xe, gờ giảm tốc, biển báo nguy hiểm, bổ sung các cửa thoát nước để tránh đọng nước trong những ngày mưa...
Đồng thời, dọc hai bên đường lắp đặt tường tương tác cầu vồng, trò chơi treo tường…, lắp đặt biển “thông tin bảo vệ trẻ em” màu xanh ở độ cao khoảng 1m tại các cửa hàng dọc đường, để trẻ em có thể tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần thiết. Được biết, thành phố Quảng Châu hiện đã xây dựng được 83 con đường đến trường thân thiện với trẻ em như này.
Còn tại thành phố Trường Sa (tỉnh Hồ Nam), để giảm bớt khó khăn cho phụ huynh khi đưa đón học sinh đến trường do tắc đường gây ra, Trường Tiểu học Thực nghiệm Số 2 Quốc tế Lộc Sơn Trường Sa đã xây dựng một nhà để xe dưới gầm sân thể thao, với hơn 240 chỗ đỗ xe.
Nhà trường cũng có kế hoạch áp dụng hệ thống khuôn viên trường thông minh, phụ huynh có thể biết khi nào học sinh nghỉ học thông qua ứng dụng di động để đưa đón học sinh đúng giờ...
Cùng với việc giải quyết vấn đề đi lại an toàn cho trẻ em, nhiều địa phương tại Trung Quốc cũng đẩy mạnh xây dựng khu dân cư thân thiện với trẻ em.
Với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương cũng như sự chung tay góp sức của người dân, khu dân cư Thư Nam, quận Long Tuyền Dịch, thành phố Thành Đô đã tạo ra một "con đường thân thiện với trẻ em."
Những bức tranh trên tường ven đường thể hiện một cách sinh động các trò chơi thời thơ ấu như chơi bi, đá cầu và ném khăn tay. Ý tưởng thiết kế dựa trên văn hóa truyền thống và mang tính kết hợp giữa trẻ em thân thiện với văn hóa cộng đồng.
Tại khu dân cư Quảng Cửu, quận Việt Tú, Quảng Châu, không gian của các tòa nhà cũ trong khu phố cổ đã được sử dụng để lắp đặt các tiện ích vui chơi cho trẻ em có màu sắc rực rỡ, chẳng hạn như tường vui chơi mở rộng dành cho trẻ em, cầu trượt leo núi, nhảy lò cò và hiệu sách chung..., nhờ đó các khu dân cư đã được thắp sáng bởi "niềm vui trẻ thơ."
Mở rộng không gian văn hóa thân thiện với trẻ em
Một không gian với diện tích hơn 2.000 m2 tràn ngập hoa văn đầy màu sắc thú vị và dễ thương, chương trình học tập phong phú, như: Lớp học MC cho trẻ em, lớp vẽ tranh sáng tạo, lớp vẽ tranh Tết, lớp trải nghiệm học đàn tranh, đàn cổ..., tại khu dân cư Cẩm Giang, thành phố Thành Đô đang gây sự chú ý của nhiều người.
Phó Trưởng ban Phổ biến Nghệ thuật-Trung tâm Văn hóa Thành Đô-Diệp Tuấn Tung (Ye Junsong), cho biết: “Thân thiện với trẻ em có nghĩa là tôn trọng nhu cầu, cảm xúc và trải nghiệm của trẻ, đồng thời tạo ra một môi trường phù hợp cho sự phát triển của trẻ. Trung tâm văn hóa cung cấp các khóa học miễn phí dựa trên sở thích của trẻ, để không chiếm thời gian học của trẻ, các khóa học này thường được sắp xếp vào buổi tối hoặc cuối tuần và linh hoạt hơn.”
Còn trong Thư viện Quảng Châu, sách tranh trong nước và nước ngoài với các chủ đề và lứa tuổi khác nhau được đặt ngay ngắn trong khu vực đọc sách tranh dành cho phụ huynh và trẻ em.
Bên cạnh có ghế ngồi và ghế sofa thoải mái. Vào những ngày cuối tuần, rất nhiều trẻ em đã đến đây để tận hưởng thời gian đọc sách sau khi tham gia các lớp học ở Cung thiếu nhi gần đó.
Hiện nay, Quảng Châu có 1 thư viện dành riêng cho trẻ em; 1 thư viện cấp thành phố và 11 thư viện cấp huyện bố trí khu đọc sách dành cho trẻ em. Các thư viện này đã liên kết với 550 trường học, học sinh có mượn và trả sách ngày tại các trường học.
Vừa xem, vừa học, vừa chơi
Gần đây, mỗi trẻ em khi đến thăm quan Công viên Thế giới Động vật hoang dã Trường Long ở Quảng Châu đều nhận được một quyển sổ tay “Phổ biến Khoa học Vui nhộn” ngay trước cổng công viên, bên trong vẽ chi tiết bản đồ công viên để khám phá và ghi rõ các điểm tương tác dành cho các trò chơi phổ biến khoa học.
Các em có thể thông qua hướng dẫn trong sổ tay, đi tham quan, nghe giải thích, có thể phân biệt chim mỏ sừng đực và cái, quan sát dấu chân của gấu túi và tìm ra sự khác biệt giữa voi châu Á và voi châu Phi…
Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Công tác Phụ nữ và Trẻ em Quảng Châu-Lữ Nghị Na, cho biết trong những năm gần đây, Quảng Châu đã và đang chuyển đổi môi trường sinh thái tự nhiên thành môi trường thân thiện với trẻ em, kết hợp với việc xây dựng khu sống xanh để tạo cảnh quan sống thân thiện với nước phù hợp cho người dân ở mọi lứa tuổi và tăng cường không gian vui chơi giải trí cho trẻ em.
Thành phố hiện đã xây dựng được 35 khu sống xanh thân thiện với trẻ em. Không gian vui chơi giải trí dành cho trẻ em được xây dựng theo quy hoạch đặc biệt và được xây dựng một cách đồng bộ.
Trong Công viên Mỏ vịt Mã Lan Sơn ở thành phố Trường Sa cũng xây dựng các trạm quan sát thời tiết, trạm quan sát mực nước và lượng mưa... thân thiện với trẻ em. Ngoài ra, tại đây còn xây dựng các thiết chế đồng bộ như khu vui chơi trẻ em ngoài trời, hồ cát...
Với việc hoàn thiện thêm nhiều khu dân cư, không gian giao lưu văn hóa, công viên và các hoạt động thiên nhiên ngoài trời thân thiện với trẻ em, nhiều biện pháp thiết thực đã được các địa phương ở Trung Quốc triển khai, khiến không gian sống ở các thành phố trở nên ấm áp và sôi động hơn.