Theo Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA), hạt bông được mang lên mặt trăng bởi tàu vũ trụ Hằng Nga 4 đã nảy mầm. Bức ảnh về một hạt giống đang nảy mầm xanh tốt sau đó được đăng tải trên trang Weibo của Trường Đại học Trùng Khánh. Các nhà khoa học nhận định, hạt bông này đã nảy mầm và phát triển tốt trong một điều kiện khắc nghiệt, khác xa trái đất.
Ông Xie Gengxin, người đứng đầu thí nghiệm, cho biết đây là lần đầu tiên con người thực hiện các thí nghiệm tăng trưởng sinh học trên bề mặt mặt trăng. Trước đó nhiều loại thực vật đã được trồng trên Trạm vũ trụ quốc tế nhưng đây là lần đầu tiên một hạt giống nảy mầm được trên mặt trăng.
Khả năng trồng cây trong không gian được coi là rất quan trọng đối với các sứ mệnh không gian dài hạn và được xem là tiền đề đột phá để tìm hiểu khả năng sống sót của con người trên một hành tinh ngoài trái đất.
Hình ảnh hạt bông nảy mầm trên nửa tối của mặt trăng |
Ngoài ra việc thu hoạch thực phẩm trong không gian có nghĩa là các phi hành gia có thể tồn tại lâu hơn mà không cần quay trở lại Trái đất để tiếp tế.
Ngoài hạt bông, tàu Hằng Nga 4 cũng đưa nhiều loại hạt giống khác lên mặt trăng, bao gồm khoai tây, các loại thuộc họ nhà cải và một số loại nấm.
Vào tối ngày 3/1, tàu thăm dò vũ trụ của Trung Quốc đã hạ cánh thành công xuống nửa tối của mặt trăng, khởi đầu cho tham vọng không gian của quốc gia này. Sự kiện này được đánh giá như một thành tựu to lớn của Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) nói riêng và cả ngành du hành vũ trụ của nhân loại nói chung.
Vào năm 2020, Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện sứ mệnh mặt trăng tiếp theo, đó là đưa tàu Hằng Nga 5 hạ cánh trên mặt trăng, thu thập các mẫu và trở về Trái đất. Năm 2030, Trung Quốc tiếp tục lên kế hoạch về việc đưa tàu có người lái lên mặt trăng. Nếu thành công, Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia thứ hai, sau Mỹ, đưa được công dân lên mặt trăng.