Chiếc tàu vũ trụ mang tên Hằng Nga 4 (Chang'e 4) của Trung Quốc đã làm nên lịch sử khi thăm dò thành công nửa tối của mặt trăng. Sự kiện này được đánh giá như một thành tựu to lớn của Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) nói riêng và cả ngành du hành vũ trụ của nhân loại nói chung.
Thành công này "đã mở ra một chương mới trong hành trình khám phá mặt trăng của loài người", Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc cho biết.
Đăng tải trên Twitter, quản trị viên của NASA Jim Bridenstine đã trầm trồ gọi đây là "lần đầu tiên của nhân loại và là một thành tựu ấn tượng!"
Trước đó Trung Quốc đã trễ cuộc đua vũ trụ khi không thể đưa vệ tinh đầu tiên của mình lên quỹ đạo cho đến năm 1970. Trong khi trước đó 1 năm, phi hành gia người Mỹ đã trở thành người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng. Tuy nhiên dù có xuất phát điểm muộn hơn nhưng Trung Quốc đã bắt kịp rất nhanh trong cuộc chạy đua không gian.
Kể từ năm 2003, Trung Quốc đã đưa thành công sáu phi hành đoàn lên vũ trụ và phóng hai phòng thí nghiệm không gian lên quỹ đạo Trái đất. Trong những ngày qua, Trung Quốc đã khiến thế giới phải trầm trồ vì kết quả ấn tượng mà Cơ quan Vũ trụ Quốc gia đem lại – hạ cánh thành công tàu thăm dò xuống nửa tối của mặt trăng.
Tàu thăm dò vũ trụ Hằng Nga 4 được phóng từ Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. |
Giấc mơ không gian
Vào năm 2013, trong cuộc nói chuyện với các phi hành gia trên tàu vũ trụ Thần Châu 10, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết "giấc mơ không gian là một phần của giấc mơ giúp Trung Quốc lớn mạnh hơn".
"Người dân Trung Quốc sẽ có những bước tiến lớn hơn để khám phá sâu hơn vào không gian", Chủ tịch Tập cho biết thêm.
Dưới sự lãnh đạo của ông Tập, Trung Quốc đã đầu tư hàng tỷ đô la vào việc xây dựng chương trình không gian của mình.
Vào năm 2020, Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện sứ mệnh mặt trăng tiếp theo, đó là đưa tàu Hằng Nga 5 hạ cánh trên mặt trăng, thu thập các mẫu và trở về Trái đất. Năm 2030, Trung Quốc tiếp tục lên kế hoạch về việc đưa tàu có người lái lên mặt trăng. Nếu thành công, Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia thứ hai, sau Mỹ, đưa được công dân lên mặt trăng.
Bắc Kinh cũng đang dành một khoản chi tiêu lớn cho Tiangong, tiền thân của một trạm không gian cố định mà họ dự định sẽ ra mắt trong năm nay hoặc năm tới. Phòng thí nghiệm không gian Tiangong 2 đã đi vào quỹ đạo trong hơn hai năm và dự kiến sẽ quay trở lại Trái vào tháng 7 năm 2019.
"Mục tiêu chung của chúng tôi là vào khoảng năm 2030, Trung Quốc sẽ là một trong những cường quốc vũ trụ lớn của thế giới", Wu Yanhua, phó giám đốc của Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc đã từng mạnh mẽ tuyên bố vào năm 2016.