Ngày 25/1, theo tin từ Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, đơn vị vừa tổ chức lấy ý kiến các chuyên gia, nhà nghiên cứu về phương án trùng tu, bảo tồn di tích điện Thái Hòa - Đại nội Huế, sau khi công trình đặc biệt này bị mưa bão tàn phá nghiêm trọng hồi tháng 10/2020. Việc trùng tu, tu bổ điện Thái Hòa sẽ giữ nguyên hiện trạng vốn có của công trình.
Điện Thái Hòa nhìn từ hướng Ngọ Môn vào. Trải qua mưa bão dồn dập cuối năm 2020 vừa qua, ngôi điện đặc biệt này bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Ngọc Văn
Để thực hiện trùng tu, nhiều hạng mục, kết cấu kiến trúc công trình sẽ được hạ giải, tháo dỡ như phần mái lợp, khung và các kết cấu gỗ, các đoạn lan can…
Quá trình trùng tu sẽ phục hồi nguyên trạng mái hạ, mái thượng lợp bằng ngói ống hoàng lưu ly. Việc hạ giải toàn phần hệ khung và các kết cấu gỗ nhằm để đánh giá chất lượng từng cấu kiện và đề xuất phương án tu bổ phục hồi chi tiết; phục hồi sơn son thếp vàng toàn bộ các cấu kiện gỗ.
Việc trùng tu, tu bổ điện Thái Hòa sẽ giữ nguyên hiện trạng vốn có của công trình.
Các đoạn tường xô nghiêng sẽ được gia cường, những đoạn lan can hư hỏng sẽ được tháo dỡ, xây phục hồi bằng gạch vồ. Sau khi tháo dỡ toàn bộ sân đường, phần nền sẽ được lát gạch Bát Tràng trở lại, kết hợp bó vỉa bằng gạch vồ theo nguyên trạng…
Theo ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, hiện vật trang trí trong nội điện Thái Hòa rất có giá trị, nên cần chống nguy cơ mất cắp khi tu bổ công trình. Ngoài ra, đơn vị thực hiện trùng tu cần tiếp cận thêm các nguồn tư liệu, bao gồm hình ảnh gốc, bản vẽ trùng tu thời vua Khải Định và cả những nhân chứng am hiểu về di tích bảo đảm tính chính xác khi tu bổ công trình
Bên trong ngôi điện đặc biệt có đặt chiếc ngai vàng dành cho nhà vua. Ảnh: Ngọc Văn
Đơn vị trùng tu cần có phương án tu bổ phần mỹ thuật trang trí, đặc biệt là hệ thống thơ văn trên gỗ và pháp lam; tham khảo công ước quốc tế về bảo tồn di sản thế giới...
Theo các tài liệu lịch sử, khoa học, điện Thái Hòa là công trình kiến trúc quan trọng nhất trong Hoàng cung triều Nguyễn. Đây là nơi diễn ra các đại lễ và các cuộc họp đại triều với sự tham gia của nhà vua, hoàng thân, quốc thích và các đại thần.
Tên điện Thái Hòa lấy gốc từ Kinh Dịch. Chữ “Hòa” có nghĩa là hòa hợp, hài hòa, “Thái Hòa” là khí âm dương hội hợp mà dung hòa với nhau. Vua trị vì thiên hạ cần phải giữ cho được sự hòa hợp tốt đẹp giữa dương và âm, cương và nhu thì mới hữu ích cho vạn vật.
Công trình xây dựng vào tháng 2/1805 và hoàn thành vào tháng 10/1805. Ban đầu, điện Thái Hòa nằm cách vị trí hiện nay khoảng 45 mét về phía Tây Bắc. Tháng 3/1833, khi điều chỉnh quy hoạch và hoàn chỉnh hệ thống kiến trúc ở Đại nội, vua Minh Mạng cho dời điện Thái Hòa về phía Nam, xây dựng đồ sộ, nguy nga hơn.
Qua 22 lần trùng tu, do yếu tố thời gian và ảnh hưởng nghiêm trọng của thời tiết, đặc biệt là đợt mưa bão dồn dập cuối năm 2020 vừa qua, di tích đặc biệt điện Thái Hòa xuống cấp nghiêm trọng, một số cấu kiện gỗ đã mục ruỗng, không đảm bảo an toàn. Do đó, việc đầu tư trùng tu, tôn tạo công trình là hết sức cấp thiết.