Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam: Kinh tế Việt Nam đang có những dấu hiệu phục hồi

0:00 / 0:00
0:00
Tiếp tục Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 với chủ đề "Phục hồi và phát triển bền vững” sáng 5/12, tại phiên họp toàn thể với chủ đề “Một số gợi ý đối với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam”, các đại biểu đã thẳng thắn phân tích những thách thức và cơ hội phục hồi, phát triển của nền kinh tế Việt Nam; đồng thời tin tưởng Việt Nam có thể đạt tăng trưởng GDP 2,5% năm 2021 và 6,6% năm 2022.
Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam: Kinh tế Việt Nam đang có những dấu hiệu phục hồi

Cơ hội "vàng" từ tiềm năng kinh tế số

Chia sẻ tham luận "Kinh tế Việt Nam năm 2021 - Một số vấn đề đặt ra" tại phiên họp, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đưa ra một số dấu hiệu tích cực cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi tăng trưởng; đồng thời nhấn mạnh tình hình khó khăn của các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay như tỷ lệ tạm ngừng kinh doanh tháng 11 tăng 27,1% so với cùng kỳ năm 2020; tỷ lệ doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể tăng 13,8%...

Trước những thách thức rất lớn đặt ra, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Quang Tuấn cho rằng, hiện nay, các doanh nghiệp đang "thiếu máu" trầm trọng, đặc biệt nguồn lực về vốn hoặc khó khăn trong việc tiếp cận các tín dụng... Cho rằng Việt Nam đang ở vùng trũng của tăng trưởng, ông Bùi Quang Tuấn đề xuất phải có những gói hỗ trợ đủ quy mô và đủ tính cấp thiết, kịp thời, nhanh nhạy, "đi thẳng vào nền kinh tế".

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, chúng ta đã có những chính sách về chuyển đổi số, tiếp cận Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhưng "mới dừng lại ở chủ trương, chính sách"; cần phải có sự quyết liệt hơn về củng cố nền tảng tăng trưởng, đặc biệt nguồn lực như đầu tư cho khoa học công nghệ; đổi mới sáng tạo; giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực lao động có kỹ năng, đặc biệt thu hút tài năng, tinh hoa...

Nhấn mạnh yếu tố tăng trưởng xanh, ông Bùi Quang Tuấn cho rằng, tuy đã có chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2011-2020 nhưng khi rà soát lại, về cơ bản mới chỉ thực hiện được về thể chế, chính sách nhưng chưa đạt được kết quả tích cực ở các tiêu chí "xanh hóa sản xuất", "xanh hóa tiêu dùng", tiêu dùng bền vững...; trong khi chúng ta phải bắt nhịp 2 xu hướng phục hồi quan trọng: Phục hồi số và phục hồi xanh. Tuy nhiên, tỷ lệ đầu tư từ ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ năm 2012 đã dành 0,6% GDP cho các hoạt động nghiên cứu; tăng lên 0,8 % GPD vào năm 2017 nhưng đến năm 2021 lại quay về mức 0,64% GPD.

"Như vậy là không cải thiện, thậm chí gần như giữ nguyên. Chúng ta gặp nhiều thách thức nếu muốn đổi mới công nghệ và sáng tạo", ông Bùi Quang Tuấn nêu rõ.

Đánh giá về quy mô nền kinh tế số, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: "Việt Nam đang có cơ hội vàng. Chúng ta có thể thua các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á về năng lực cạnh tranh, nhưng về nền kinh tế số, Việt Nam có tiềm năng để có thể bứt phá. Theo số liệu, quy mô kinh tế số Việt Nam năm 2021 đạt 21 tỷ USD. Dự báo đến 2025, chúng ta đứng thứ hai Đông Nam Á với 54 tỷ USD, chỉ thua Indonesia (146 tỷ USD), đứng trên Thái Lan (56 tỷ USD)".

Đề xuất các giải pháp phục hồi và phát triển bền vững nền kinh tế, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Quang Tuấn cho rằng, chính sách tiền tệ phải giảm mặt bằng lãi suất, chính sách tài khóa tập trung chi tiêu cho các mục tiêu về y tế; nhà ở xã hội; chú trọng phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; giãn, hoãn thuế phí; đẩy mạnh đầu tư công; ưu tiên các dự án có thể hấp thụ vốn…; đặc biệt, cần tăng cường và đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số.

"Đây là cơ hội vàng nên phải tăng cường đầu tư bằng vật chất, nguồn lực; cải thiện và hoàn thiện về thể chế, trong đó có thí điểm về thể chế đổi mới sáng tạo cho các nhà khoa học nghiên cứu. Chúng ta cần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút nhân tài, nâng cao kỹ năng số để có các giải pháp, chính sách tạo ra Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Đã đến giai đoạn phải thay đổi, bắt buộc thay đổi, thay đổi nhanh mới thích ứng được trong thời gian tới", Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh.

Đòi hỏi những cải cách quyết liệt hơn

Bày tỏ vinh dự được có mặt tại Diễn đàn để trao đổi về các biện pháp phát triển, hồi phục kinh tế-xã hội trên thế giới cũng như các gợi ý chính sách cho Việt Nam, ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam nhấn mạnh, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp, Việt Nam đang có dấu hiệu hồi phục kinh tế- xã hội. Để đạt được điều đó, việc tăng cường năng lực y tế đóng vai trò quan trọng trong việc hồi phục các hoạt động kinh tế, cùng với đó là các chính sách tài khóa, tiền tệ kịp thời và đúng đối tượng, các công cụ tái cơ cấu để hỗ trợ phát triển trong dài hạn... có thể giúp giảm thiểu tác động của đại dịch.

Điểm qua tình hình kinh tế thế giới và trong khu vực, ông Francois Painchaud cho rằng, trong tài liệu tầm nhìn kinh tế thế giới gần đây nhất cho thấy, mặc dù đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến khó lường, bao gồm khu vực châu Á; tuy nhiên, nhìn chung tăng trưởng trên thế giới vẫn sẽ tiếp tục diễn biến theo chiều hướng có lợi cho Việt Nam.

Theo ông Francois Painchaud, quy mô của các biện pháp hỗ trợ tài khóa ở các nền kinh tế phát triển, có thể áp dụng được ở các quốc gia khác, bao gồm Việt Nam. Quan trọng hơn, các hỗ trợ về chính sách cần phải dựa trên diễn biến của dịch bệnh cũng như tiến trình phát triển kinh tế của từng nước. Các biện pháp đóng cửa biên giới, giãn cách xã hội cần phải đi kèm với sự hỗ trợ chính sách ở các ngành nghề cần thiết.

"Các biện pháp hỗ trợ tạm thời nhưng kịp thời cần phải được cung cấp cho các hộ gia đình hay các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi chúng ta dần hướng tới việc mở cửa trở lại. Việt Nam phụ thuộc ít hơn rất nhiều về chuyển tiền mặt cũng như một số nguồn thu so với các quốc gia khác. Những vấn đề này không ảnh hưởng quá nhiều đến Việt Nam trong trung hay dài hạn, ngay cả khi cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 vẫn tiếp diễn", ông Francois Painchaud chia sẻ.

Bày tỏ ấn tượng với công tác phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có chiến lược tiêm chủng vaccine, ông Francois Painchaud cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đang có những dấu hiệu phục hồi, bắt đầu từ quý IV/2021, có thể đạt tăng trưởng GDP 2,5% trong năm nay và 6,6% trong năm 2022.

Mặc dù trong thời gian qua, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến việc làm, đặc biệt khu vực phi chính thức; các doanh nghiệp dễ bị tổn thương, các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Song Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam khẳng định, những khát vọng của Việt Nam vẫn có thể đạt được nhưng đòi hỏi những cải cách quyết liệt hơn.

"Chúng ta cần phải có các biện pháp hỗ trợ thanh khoản tạm thời kịp thời, đúng đối tượng, giúp cho các doanh nghiệp có thể tránh được gián đoạn cũng như ảnh hưởng về lâu dài; có các gói kích cầu, kích thích không gian tài khóa dồi dào; tăng chi tiêu cho y tế, điều trị, tiêm chủng và trợ cấp; cân nhắc chuyển lỗ hoặc chuyển lỗ ngược; tăng cường đầu tư công; hỗ trợ đầu tư tư nhân; cải thiện khả năng chống chịu; cải cách cơ cấu quyết liệt; duy trì ổn định vĩ mô…”, ông Francois Painchaud chia sẻ.

Giáo dục kỹ năng tham gia giao thông cho học sinh tiểu học
Giáo dục kỹ năng tham gia giao thông cho học sinh tiểu học
(Ngày Nay) - Ngày 23/12, tại Nhà văn hóa thị xã Duy Tiên (Hà Nam), Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Nam phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh tổ chức chương trình Giao lưu giáo dục kỹ năng tham gia giao thông an toàn cấp tiểu học năm học 2024 - 2025.
Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
(Ngày Nay) - Các hình ảnh vệ tinh mới nhất từ Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy tảng băng khổng lồ A-23A - hiện là tảng băng lớn nhất thế giới - đã thoát khỏi vòng xoáy đại dương phía bắc quần đảo Nam Orkney và đang trôi dạt về phía đông bắc, hướng tới đảo Nam Georgia, nơi nó được dự đoán sẽ tan vỡ và biến mất hoàn toàn.
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh
(Ngày Nay) - Thời tiết lạnh khiến mọi người, đặc biệt là trẻ nhỏ và các nhóm có nguy cơ cao như người trên 65 tuổi và phụ nữ có thai dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Để chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm, người dân cần chú ý: che miệng, mũi khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch có cồn; giữ ấm cơ thể…
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
(Ngày Nay) - Tối 22/12, Hòa nhạc và biểu diễn nghệ thuật đặc biệt Bài ca không quên diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) với nhiều cảm xúc, đưa khán giả trở về những khoảnh khắc lịch sử hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
(Ngày Nay) -  Dịch sởi bùng phát tại TP Hồ Chí Minh, Thực hiện thành công kỹ thuật can thiệp thông tim bào thai, Triển khai Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VneID thay cho sổ khám bệnh… là những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024 được Sở Y tế Thành phố công bố chiều 22/12.