Phát hiện khoa học mang tính quyết định
Cá voi Bắc Cực sống thọ 200 tuổi.
Các nhà khoa học ngày nay vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để tìm ra một phương pháp thần diệu giúp con người có thể sống lâu hơn nữa.
Mới đây, các nhà khoa học đã phát hiện ra bí quyết giúp loài cá voi Bắc Cực sống lâu tới 200 năm. Cụ thể, họ nghiên cứu về gen của loài động vật có vú sống lâu nhất trên thế giới này, lập ra sơ đồ gen của chúng với mong muốn kéo dài tuổi thọ cho con người.
Nghiên cứu cho thấy cá voi Bắc Cực sống lâu là do cấu trúc gen đặc biệt trong cơ thể. Gen di truyền của chúng có khả năng tự hồi phục các ADN bị tổn hại và chống các tác nhân đột biến gây ung thư. Đồng thời, bộ gen cá voi Bắc Cực giúp chúng tránh các bệnh về tim mạch.
Nếu tính chất di truyền này được áp dụng thành công đối với con người, giấc mơ trường sinh sẽ chẳng mấy chốc trở thành hiện thực. Nhiều người vẫn ao ước có một cuộc sống như thế bởi lẽ sẽ có nhiều thời gian làm những việc mình thích. Nhưng có bao giờ bạn tự hỏi cuộc sống trường sinh sẽ nảy sinh nhiều vấn đề?
Xã hội rối loạn
Sống quá thọ khiến những người già trở thành gánh nặng xã hội.
Diện tích đất, nguồn thức ăn, nước uống trên trái đất không phải là vô hạn. Nếu con người sống tới 200 tuổi sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp cho xã hội: bùng nổ dân số, an sinh xã hội khi về hưu, an ninh thực phẩm, ô nhiễm môi trường… Chính điều đó làm gia tăng thêm căng thẳng, mệt mỏi, làm chất lượng cuộc sống giảm sút.
Các vấn đề gia đình
Khoảng cách thế hệ làm nảy sinh mâu thuẫn.
Hiện tại, tuổi thọ con người dao động trong khoảng 100 tuổi, mỗi gia đình có từ 3 đến 4 thế hệ. Nhưng nếu một người có thể sống thọ 200 tuổi, việc sống trong một gia đình có 6, 7 thế hệ là điều bình thường. Đó không phải điều kiện sống lý tưởng cho người cao tuổi, các nhà xã hội học cho biết.
Khoảng cách quá xa giữa nhiều thế hệ trong gia đình khiến suy nghĩ và hành động của mỗi người khác nhau, dễ nảy sinh mâu thuẫn trong gia đình, thậm chí còn gây ra những vụ án thương tâm. Người già trong gia đình sẽ luôn mệt mỏi bởi con cháu ngày càng đông, không thể quản lý nổi
Không còn lãng mạn trong tình yêu
Tình yêu kéo dài 200 năm có còn lãng mạn?
Nếu muốn có một tình yêu lâu bền, mỗi ngày trôi qua chúng ta phải tìm kiếm những câu chuyện thú vị, những điều bất ngờ dành cho đối phương. Điều đó không hề dễ dàng nếu phải chung sống với nhau hàng thế kỷ. Vì vậy, các nhà tâm lý học cho rằng tình yêu chỉ nên kéo dài qua một vài thập kỷ chứ không phải hàng thế kỷ.
Con người trở nên lười biếng và tự ti
Sống quá thọ có thể khiến con người "thèm chết".
Hiện nay, cái chết chính là động lực cho mọi công việc trong cuộc sống của con người. Nếu sống quá lâu, chúng ta sẽ hình thành tâm lý trì hoãn, cho rằng “ta còn nhiều thời gian phía trước để làm mọi việc”. Điều đó khiến con người trở nên lười biếng.
Công nghệ thông tin đang thay đổi từng ngày, từng giờ. Những người sống 200 tuổi dễ rơi vào tình trạng lạc hậu, mù thông tin do không đủ thời gian và tốc độ thích ứng với hoàn cảnh. Hệ quả là họ luôn sống trong mặc cảm, tự ti về bản thân và cảm thấy “thèm chết”. Sống một cuộc sống như vậy có lẽ còn bất hạnh hơn cả cái chết.
Danh Tuyên (tổng hợp)