Tưng bừng lễ khai hội vị tổ nghề ca trù Việt Nam

Nằm trong quần thể lễ hội Phố Hiến, sáng qua 9/3 (tức mồng 1 tháng 2 âm lịch), nhân dân Hưng Yên long trọng tổ chức lễ khai hội vị tổ nghề ca trù Việt Nam.
Tưng bừng lễ khai hội vị tổ nghề ca trù Việt Nam

Thông thường, lễ hội vị tổ nghề ca trù (hay còn gọi là Hội Đào Nương) được tổ chức từ ngày 1/2 - 4/2 âm lịch hàng năm. Đây không chỉ là dịp để nhân dân Đào Đặng, Hưng Yên tưởng nhớ tới người nữ anh hùng "phù Lê" giết giặc mà còn là dịp để nhân dân ấp Đào Trang xưa tưởng nhớ công lao của Tướng công Trần Lữu cùng 7 người con, phù nhà Trưng diệt quân Đông Hán (năm 40-43, Sau Công nguyên).

Tưng bừng lễ khai hội vị tổ nghề ca trù Việt Nam ảnh 1

Tại sân đình làng Đào Đặng, đông đảo du khách tham dự lễ khai hội vị tổ ca trù Việt Nam (Ảnh: Kim Cúc)

Đào Nương - một cô gái xinh đẹp, ca hát hay nổi tiếng khắp tổng Cao Cương, Huyện Tiên Lữ, Phủ Khoái Châu xưa (nay là thôn Đào Đặng, xã Trung Nghĩa, TP Hưng Yên). Đầu thế kỉ XV, nhà Minh mượn cớ "phù Trần diệt Hồ" đem quân sang xâm lược nước ta. Hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, bà Đào Nương cùng một số chị em trong làng mở quán rượu để lôi kéo quân Minh lui tới ăn uống, nhằm tìm hiểu nội tình quân địch, giúp Lê Lợi đánh lên đất Thăng Long.

Nhờ tài sắc hơn người, Đào Nương nhanh chóng thu hút được sự chú ý của cả quân và tướng nhà Minh. Chúng biến quán rượu của nàng thành nơi hội họp, ăn uống, nghỉ ngơi mà không đề phòng bất cứ điều gì. Cứ tiệc rượu no say, chúng lại lăn ra ngủ. Ngày ấy, tổng Cao Cương là vùng lau sậy um tùm, rất nhiều côn trùng. Vì thế, để khỏi lạnh và tránh bị muỗi đốt, giặc Minh đã làm những chiếc túi bằng bao tải gai để được "ấm thân" và an toàn trước côn trùng. Đêm đến chúng chui vào bao và buộc túi lại tránh muỗi. Đào Nương nhiều lần được chúng giao cho việc thắt và mở túi. Với công việc này, Ả Đào đã nghĩ ra kế giết giặc, nàng cùng các trai tráng đợi quân giặc ngủ say, đến khiêng từng bao tải ném xuống sông, nước trôi ra biển.

Thấy lực lượng ngày càng hao hụt mà không rõ nguyên nhân, chúng sợ hãi rút quân. Khi Đào Nương mất, nhớ công ơn bà, dân làng lập đền thờ, có tên là đền Mẫu hay đền Đào Nương. Ngôi đền đã được Bộ Văn hóa Thông tin (cũ) xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia và trở thành niềm tự hào của người dân trong làng.

Tưng bừng lễ khai hội vị tổ nghề ca trù Việt Nam ảnh 2

Rước kiệu mẫu Đào Nương vào đình làng Đào Đặng (Ảnh: Kim Cúc)

Trước đó, năm 40 Sau Công nguyên, nghe theo tiếng gọi cứu nước của Hai Bà Trưng, tướng công Trần Lữu cùng 7 người con (6 người con là rắn hóa người, chỉ có 1 vị là người) đánh thẳng vào sào huyệt của tướng giặc Tô Định ở quận Trị Cổ Nôi. Với lòng thù hận sâu sắc, tài mưu lược, trí dũng song toàn của cha con nhà ngài, quân giặc tháo chạy tan tác, hồn siêu phách lạc, hàng ngàn quân giặc bị rơi đầu, máu chảy thành sông thây phơi như núi. Tô Định và bè lũ xâm lược hoảng sợ, tan vỡ, bỏ cả ấn tín thay hình đổi dạng bỏ chạy về Trung Nam Hải mà vẫn bàng hoàng chưa hết run sợ. Giành thắng lợi vĩ đại, Hai Bà Trưng lên ngôi vua, đóng đô ở Mê Linh, sắc phong cho quân thần trong đó có Tướng quân Trần Lữu và 7 người con. Đất nước thanh bình, cha con tướng quân về quê lập ấp, mở trường dạy chữ cho dân.

Mùa hè năm 43, hơn 10 vạn quân giặc phương Bắc lại tràn xuống nước ta, tướng giặc là Mã Viện. Hai Bà Trưng cùng các tướng sỹ quyết một trận tử chiến ở Cẩm Khê, song vì lực lượng không cân sức Hai Bà Trưng cùng cha con tướng công Trần Lữu đã hi sinh vào ngày 6 tháng Chạp năm 43.

Để ghi nhớ công lao cứu nước dựng làng của ngài, nhân dân thôn Đào Đặng sau này đã xây dựng một cụm gồm 5 ngôi đền thờ 8 cha con nhà ngài và lập ngôi đền chính thờ ngài là Thành Hoàng làng.

Tham dự lễ hội Đào Nương là đông đảo quý khách thập phương từ mọi miền Tổ quốc. Trong không khí vui tươi, phấn khởi, xen vào đó là làn điệu ca trù mượt mà, du khách như thoát khỏi sự bộn bề của cuộc sống thường nhật, trải mình trong thế giới tâm linh với một cụm 6 ngôi đền thờ.

Theo ông Vũ Đình Chính (Trưởng ban Tổ chức Lễ hội Đào Nương) cho biết, chính hội là ngày mồng 2 tháng 2 âm lịch. Năm nay, chúng tôi tổ chức rước kiệu Tướng công Trần Lữu và vị con trai út của ngài từ đền chính vào đình làng từ ngày 30 tháng Giêng. Ngày mồng 2 sẽ tổ chức rước kiệu của bà từ đền Mẫu vào đình làng. Đây là phần lễ thu hút sự quan tâm của nhiều du khách. Bên cạnh đó, Ban tổ chức còn tổ chức các trò chơi dân gian như: cờ tướng, kéo co, chọi gà, hát quan họ, diễn lại tích mẫu Đào Nương...

Tưng bừng lễ khai hội vị tổ nghề ca trù Việt Nam ảnh 3

Cuộc thi hát ca trù tổ chức tại sân đền mẫu Đào Nương nhằm tưởng nhớ công lao của vị tổ ca trù (Ảnh: Internet)

Với mục đích tái hiện lại nét đặc trưng của quê hương vị tổ ca trù, cuộc thi làm đồ ăn chay (gói bảnh tẻ, bánh nếp) do người dân tự tổ chức sẽ mang tới lễ hội không khí tưng bừng náo nhiệt, sự gay cấn và cả quyết tâm giành chiến thắng của mỗi đội chơi. Cuộc thi hát ả đào (hát ca trù) nhằm mục đích bảo tồn và phát huy hơn nữa giá trị của nghệ thuật hát ca trù Việt Nam. Hội Mẫu năm nay hứa hẹn sẽ mang lại nhiều trải nghiệm thú vị cho quý khách du xuân trẩy hội, ông Chính chia sẻ thêm.

Không chỉ là một lễ hội đơn thuần, lễ hội Đào Nương như một thông điệp phản ánh phong tục tập quán, đời sống lao động, tình yêu với lúa gạo, giáo dục đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", tiếp nối truyền thống cha ông cho thế hệ thanh niên, trẻ nhỏ trong vùng, cùng với đó là khát khao bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc của người Phố Hiến xưa.

Kim Cúc

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.