Mặc dù có những tiến bộ trong công nghệ y tế, nghiên cứu di truyền, và số lượng người sống đến 100 tuổi ngày càng tăng, nhưng điều này không dẫn đến sự gia tăng đáng kể về tuổi thọ trung bình. Các nhà nghiên cứu nhận thấy sự gia tăng tuổi thọ đang thu hẹp lại ở các quốc gia có dân số sống lâu nhất.
Tuổi thọ là ước tính số năm trung bình mà một người sinh ra trong một năm nhất định có thể sống, giả định rằng tỷ lệ tử vong tại thời điểm đó không thay đổi.
Đây là một trong những chỉ số sức khỏe quan trọng nhất thế giới, nhưng nó cũng không chính xác. Đó chỉ là một ước tính tức thời và không thể tính đến các đại dịch chết người, các phương pháp điều trị đột phá, hoặc các diễn biến không lường trước có thể khiến hàng triệu người chết hoặc sống sót.
Trong nghiên cứu mới, Olshansky và các đồng nghiệp đã theo dõi ước tính tuổi thọ từ năm 1990 đến 2019, dựa trên cơ sở dữ liệu của Viện Nghiên cứu Nhân khẩu học Max Planck ở Đức. Các nhà nghiên cứu tập trung vào 8 quốc gia: Úc, Pháp, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Thụy Sĩ, cùng với Hồng Kông và Mỹ.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy phụ nữ vẫn sống lâu hơn nam giới và sự cải thiện về tuổi thọ vẫn đang diễn ra nhưng với tốc độ chậm lại. Năm 1990, mức cải thiện trung bình là khoảng 2,5 năm mỗi thập kỷ, nhưng con số này đã giảm xuống 1,5 năm trong thập niên 2010.