Tuyên bố này được đưa ra trước thềm hội nghị với sự tham gia của các chính trị gia và chuyên gia tài chính thảo luận các vấn đề tài trợ ngắn hạn cũng như xem xét các nỗ lực tái thiết dài hạn cho Ukraine diễn ra trong hai ngày 21-22/6 tại London do Anh và Ukraine đồng chủ trì.
Theo ông Shurma, trọng tâm của giai đoạn tái thiết đầu tiên sẽ là ngành sắt và thép vốn đóng góp khoảng 10% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ukraine vào năm 2021, khoảng 30% doanh thu xuất khẩu và tạo việc làm cho khoảng 600.000 người.
Tuy nhiên, ngành này cũng góp phần tạo ra 15% lượng khí thải carbon của Ukraine và ông cho biết hiện có cơ hội để chuyển đổi sản xuất sắt thép bằng năng lượng tái tạo. Ông nhấn mạnh "tầm nhìn của chúng tôi là xây dựng ngành thép xanh 50 triệu tấn tại Ukraine". Nếu thành công, Ukraine sẽ trở thành nước cung cấp thép xanh rẻ nhất thế giới và hỗ trợ chính cho nỗ lực khử carbon của châu Âu nhờ thúc đẩy đầu tư vào năng lượng gió, Mặt Trời, hạt nhân và thủy điện.
Để giúp huy động được từ 20-40 tỷ USD trong giai đoạn tái thiết ban đầu, Ukraine dự kiến thành lập một liên minh gồm các bên liên quan ở cả khu vực công và tư để phát triển kế hoạch. Theo ông Shurma, công tác chuẩn bị có thể mất từ một đến một năm rưỡi mặc dù "việc xây dựng thực tế sẽ chỉ bắt đầu sau khi xung đột kết thúc".
Trước đó, ngày 17/6, Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết Thủ tướng Rishi Sunak sẽ kêu gọi các nhà đầu tư toàn cầu và doanh nghiệp Anh có mặt tại hội nghị sắp tới tăng cường hỗ trợ Ukraine.
Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính công cuộc tái thiết Ukraine sẽ tiêu tốn khoảng 411 tỷ USD, gấp ba lần GDP nước này. Kể từ khi xảy ra cuộc xung đột với Nga hồi tháng 2/2022, các nhà tài trợ bên ngoài đã cung cấp 59 tỷ USD nhằm đáp ứng nhu cầu tài chính của Ukraine.