Tham dự Hội thảo có bà Miki Nozawa, Trưởng ban Giáo dục - UNESCO Việt Nam; lãnh đạo Liên đoàn Lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Công đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu cùng các doanh nghiệp, phụ huynh và các em học sinh được đào tạo tại khóa học này.
Dự án “Thúc đẩy tiếp cận giáo dục nghề nghiệp và kỹ năng chuyển đổi cho trẻ em và thanh niên ngoài nhà trường tại Việt Nam” do UNESCO Việt Nam triển khai tại hai tỉnh Đồng Tháp và Bà Rịa-Vũng Tàu giai đoạn 2023-2024 với mục tiêu thúc đẩy tiếp cận kỹ năng nghề và kỹ năng chuyển đổi cho trẻ em, thanh niên ngoài nhà trường trong cả nước, trước hết tập trung cho hai địa phương là Đồng Tháp và Bà Rịa-Vũng Tàu. Đây là giai đoạn thứ ba của Dự án do UNESCO Việt Nam triển khai ở khu vực ASEAN, giai đoạn đầu tiên triển khai ở Indonesia (2018-2019), giai đoạn thứ hai triển khai ở Thái Lan (2020-2021). Các nghề đào tạo ngắn hạn ở hai địa phương được xác định trên cơ sở nhu cầu, năng lực học tập của trẻ em và thanh niên ngoài nhà trường và thị trường lao động tại địa phương.
Bà Miki Nozawa, Trưởng ban Giáo dục - UNESCO Việt Nam cho biết, ở cấp độ toàn cầu, UNESCO được giao nhiệm vụ chủ trì và điều phối việc thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững số 4 của Liên hợp quốc (Chương trình nghị sự giáo dục 2030 về đảm bảo nền giáo dục hòa nhập, công bằng và chất lượng cũng như thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho mọi người). Dự án “Thúc đẩy tiếp cận giáo dục nghề nghiệp và kỹ năng chuyển đổi cho trẻ em và thanh niên ngoài nhà trường tại Việt Nam” được triển khai thời điểm này là thích hợp vì năm 2023 đánh dấu nửa chặng đường của Chương trình nghị sự giáo dục 2030.
Bà Miki Nozawa chia sẻ: UNESCO rất cảm kích về thiện chí chính trị và định hướng chiến lược của Chủ tịch UBND hai tỉnh Đồng Tháp và Bà Rịa-Vũng Tàu trong việc hỗ trợ nhóm trẻ em và thanh niên ngoài nhà trường tiếp cận cơ hội học tập để không ai bị bỏ lại phía sau. Đây là chiến lược đúng đắn để phát triển nguồn nhân lực nhằm làm động lực cho tăng trưởng kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng và khu vực nói chung.
Được sự thống nhất của UBND tỉnh, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Công đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu và UNESCO Việt Nam xây dựng chương trình đào tạo, giáo trình và phân công giảng viên tham gia giảng dạy cho nhóm đối tượng thuộc Dự án giáo dục nghề nghiệp với các nghề: Kỹ thuật làm bánh cơ bản; kỹ thuật chế biến món ăn; hàn điện; điện dân dụng; kỹ thuật may công nghiệp cơ bản; kỹ thuật chăm sóc spa căn bản và kỹ năng phục vụ nhà hàng. Ngoài cấp chứng chỉ nghề, sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Công đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu và UNESCO Việt Nam hỗ trợ giới thiệu việc làm giúp trẻ em và thanh niên có việc làm bền vững, tạo điều kiện cho các em có thể hòa nhập tốt hơn vào cộng đồng.
Ông Trần Quang Vinh, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Công đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, trước thực trạng nhiều học sinh sau tốt nghiệp Trung học Cơ sở tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu không tiếp tục đi học, tự tìm việc làm hoặc làm việc tại nhà, Văn phòng đại diện UNESCO Việt Nam tại Hà Nội đã tổ chức chương trình nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của các nhóm trẻ dễ bị tổn thương, thiệt thòi nhất, giúp các em có công việc và cuộc sống tốt đẹp hơn. Bằng kỹ năng nghề được trang bị, các em có thể có được công việc ổn định với mức thu nhập tốt hơn. Điều đó sẽ phần nào giúp các em vững vàng hơn trước bước ngoặt cuộc đời.
Đến nay, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Công đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu đã tuyển sinh được 210 học viên. Trung tâm sẽ sắp xếp 7 lớp đào tạo nghề, mỗi lớp 35 học viên, khai giảng vào tháng 3/2024 tại thành phố Vũng Tàu và huyện Xuyên Mộc. Thời gian đào tạo là 120 giờ, tương đương với 15 ngày thực học. Tham gia khóa học, học viên được miễn hoàn toàn học phí, được phụ cấp thêm tiền ăn trưa, đi lại từ 80-100 ngàn đồng/ngày. Các lớp học ưu tiên chọn địa điểm đào tạo tại các địa phương để người học đi lại thuận lợi, tiếp cận được chính sách của Dự án./.