Trí tuệ nhân tạo AI có tiềm năng to lớn trong việc thúc đẩy quá trình hiện thực hóa và phát triển các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) về giáo dục. Ứng dụng AI có thể giảm bớt khó khăn trong việc tiếp cận học tập, tự động hóa các quy trình quản lý và tối ưu hóa các phương pháp để cải thiện kết quả học tập, từ đó đạt được một nền giáo dục có chất lượng (SDG 4 - Quality Education).
Tuy nhiên, việc tích hợp AI trong môi trường giáo dục sẽ mất nhiều thời gian do thực trạng thiếu kiến thức về cách thức hoạt động của AI, trong khi các lỗ hổng chính trị và công nghệ tiếp tục làm giảm khả năng tiếp cận công nghệ của các cơ sở giáo dục và nhà trường. Trên hết, có rất ít tài nguyên có thể trao quyền cho giáo viên và học sinh tìm hiểu và áp dụng AI cùng nhau.
UNESCO tin tưởng vào tầm quan trọng của việc sử dụng một cách công bằng và toàn diện AI trong giáo dục để có được nền giáo dục chất lượng, thúc đẩy giáo dục khoa học đặc biệt cho trẻ em gái và phụ nữ, cũng như cung cấp cơ hội giáo dục cho người di cư, người tị nạn và các nhóm dân số dễ bị tổn thương.
Bà Stefania Giannini, Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO về Giáo dục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khởi động mối quan hệ đối tác mới giữa UNESCO với Kids Code Jeunesse (KCJ): “Để đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau trong một thế giới luôn thay đổi và đang được thúc đẩy bởi những tiến bộ công nghệ, điều quan trọng là công dân toàn cầu ở mọi lứa tuổi phải có ít nhất một kỹ năng AI cơ bản để sống, làm việc, học tập và tham gia vào xã hội hiện đại."
Bà Kate Arthur, Giám đốc điều hành tại KCJ cho biết: “Thập kỷ tới là một thập kỷ quan trọng đối với hành tinh và nhân loại. Chúng ta chỉ có thể xây dựng một tương lai công bằng nếu có thể trang bị cho tất cả mọi công dân những kỹ năng cần thiết để phát triển trong thế giới kỹ thuật số. Hợp tác với Ủy ban quốc gia UNESCO Canada và UNESCO, chúng tôi sẽ thu hút thanh niên cũng như người lớn suy nghĩ về cách cấu trúc dữ liệu và giải thuật ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta, tìm hiểu cách AI hoạt động, khám phá phương thức đạo đức AI có thể giúp giải quyết các vấn đề trong thế giới thực.”
Quyền công dân kỹ thuật số (digital citizenship) là một thuật ngữ mô tả cách một người nên hành động trong khi sử dụng công nghệ kỹ thuật số, và cũng được định nghĩa là "khả năng tham gia vào xã hội trực tuyến". Thuật ngữ này thường liên quan đến an toàn Internet và netiquette (những quy tắc và chuẩn mực mọi người cần tuân theo khi sử dụng internet).
Bà Roda Muse, Tổng thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Canada chia sẻ: "Tại Canada, KCJ là công ty đi đầu trong việc đào tạo giảng dạy cho thanh thiếu niên về AI, mã và quyền công dân kỹ thuật số. Đây là lý do tại sao Ủy ban quốc gia UNESCO Canada hợp tác với KCJ để khởi động 'Dự án xóa mù chữ về thuật toán', đồng thời nâng cao nhận thức và giáo dục thanh thiếu niên về sự hiện diện của các thuật toán, cách chúng ảnh hưởng đến trải nghiệm kỹ thuật số của chúng ta.''
Sự hợp tác sẽ được thực hiện trong khuôn khổ dự án về AI và Tương lai của giáo dục, bao gồm Khuyến nghị về Đạo đức của Trí tuệ Nhân tạo và Đồng thuận Bắc Kinh về Trí tuệ Nhân tạo và Giáo dục. Sự hợp tác này chính thức được khởi động tại Diễn đàn Quốc tế về AI và Giáo dục vào ngày 7 - 8/12/2021.