Theo Bản đồ Ngôn ngữ Thế giới của UNESCO, hiện có 8.324 ngôn ngữ nói và ký hiệu tồn tại. Trong số đó, 7.000 ngôn ngữ vẫn đang được sử dụng. Tuy nhiên, trên toàn cầu, chỉ có 351 ngôn ngữ được dùng làm phương tiện giảng dạy. Đáng lo ngại là sự đa dạng ngôn ngữ đang bị đe dọa, với nhiều ngôn ngữ biến mất với tốc độ chưa từng có.
Native Scientists: Trao quyền cho trẻ em di cư thông qua khoa học và ngôn ngữ tại châu Âu
Năm 2022, chương trình Native Scientists (Vương quốc Anh) đã nhận được Giải thưởng Xóa nạn mù chữ Quốc tế King Sejong của UNESCO nhờ cách tiếp cận sáng tạo trong việc thúc đẩy khoa học và xóa mù chữ bằng nhiều ngôn ngữ cho trẻ em thiệt thòi. Chương trình này hoạt động tại 12 quốc gia châu Âu, kết nối học sinh di cư với các chuyên gia trong lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM). Những chuyên gia này không chỉ truyền đạt kiến thức khoa học mà còn chia sẻ văn hóa và tiếng mẹ đẻ của họ, tạo ra những trải nghiệm học tập ý nghĩa.
![]() |
GraphoGame của Phần Lan: Thúc đẩy đa dạng ngôn ngữ thông qua các giải pháp giáo dục đa ngôn ngữ
Tầm quan trọng của giáo dục xóa mù chữ dựa trên tiếng mẹ đẻ là không thể phủ nhận. Nghiên cứu cho thấy việc học đọc và viết bằng tiếng mẹ đẻ ngay từ đầu giúp phát triển nhận thức, đạt thành tích học tập cao hơn và nâng cao kỹ năng đa ngữ.
Được trao Giải thưởng Xóa nạn mù chữ Quốc tế King Sejong năm 2023, GraphoGame là một công cụ học tập dựa trên trò chơi, đã được khoa học chứng minh, giúp việc học chữ trở nên dễ tiếp cận hơn với hơn 30 ngôn ngữ trên toàn thế giới.
Bà Mervi Palander, CEO của GraphoGame, nhấn mạnh: “Tiếng mẹ đẻ là chìa khóa mở ra cánh cửa học tập suốt đời. Giáo dục đa ngữ không chỉ là công cụ xóa mù chữ – đó còn là một quyền con người cơ bản.”
Kể từ khi nhận giải, GraphoGame đã mở rộng các dịch vụ đa ngữ của mình thông qua hợp tác với các nhà nghiên cứu, tổ chức giáo dục và chính phủ. Chương trình này đã tích hợp các công cụ xóa mù chữ dựa trên tiếng mẹ đẻ vào chương trình giáo dục quốc gia, giúp nhiều trẻ em tiếp cận việc học hơn.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức, bao gồm thiếu nội dung học tập bằng tiếng của các nhóm thiểu số và khả năng tiếp cận kỹ thuật số hạn chế ở khu vực khó khăn. Ngoài ra, việc tích hợp giáo dục đa ngữ vào hệ thống giảng dạy đòi hỏi chính sách mạnh mẽ và sự hợp tác chặt chẽ. Bà Palander chia sẻ: “Thách thức lớn nhất là làm sao để mọi trẻ em đều có thể tiếp cận các công cụ xóa mù chữ bằng tiếng mẹ đẻ, bất kể hoàn cảnh hay nơi sinh sống.”
Dù cuộc khủng hoảng mù chữ toàn cầu vẫn còn, nhưng công nghệ – nếu được sử dụng đúng cách – có thể trở thành giải pháp giúp cải thiện học tập và gìn giữ sự đa dạng ngôn ngữ.
![]() |
Dự án DREAM: Xóa bỏ rào cản bằng giáo dục đa ngôn ngữ
Tại Cộng hòa Dominica, nơi tiếng Tây Ban Nha là ngôn ngữ chính trong giáo dục, trẻ em gốc Haiti thường gặp khó khăn trong việc học tập bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Dự án DREAM đã và đang giải quyết thách thức này bằng cách thúc đẩy hòa nhập ngôn ngữ và đảm bảo trẻ em gốc Haiti được tiếp cận với nền giáo dục chất lượng bằng tiếng Anh, tiếng Creole Haiti và tiếng Tây Ban Nha.
Một giáo viên của DREAM chia sẻ: “Giáo dục đa ngôn ngữ giúp thúc đẩy sự hòa nhập, nuôi dưỡng tình yêu văn hóa và mở ra nhiều cơ hội học tập hơn.”
DREAM đã phát triển nhiều sáng kiến như Thư viện của Riêng Tôi và DREAM Publications, cung cấp sách đa ngữ giúp tôn vinh bản sắc văn hóa và tăng cường giao tiếp đa văn hóa.
Từ khi nhận Giải thưởng Xóa nạn mù chữ Quốc tế Confucius năm 2023, DREAM đã mở rộng các chương trình của mình, tăng khả năng tiếp cận tài liệu học tập, triển khai các sáng kiến trao đổi ngôn ngữ và tích hợp giáo dục song ngữ vào chương trình mầm non. Hiện nay, DREAM cũng đã phát triển các tài nguyên kỹ thuật số đa ngữ, giúp trẻ em ở vùng sâu, vùng xa dễ dàng tiếp cận giáo dục hơn.
Dù vậy, vẫn còn những thách thức như thiếu tài liệu giảng dạy song ngữ, đào tạo giáo viên còn hạn chế và định kiến đối với tiếng Creole Haiti. DREAM đang nỗ lực giải quyết vấn đề này bằng cách phát triển tài liệu giảng dạy phù hợp với văn hóa, thúc đẩy các chính sách ngôn ngữ toàn diện và hợp tác với các tổ chức quốc tế để huy động nguồn lực cho giáo dục đa ngữ.
Nhân Ngày Quốc tế Tiếng Mẹ đẻ, DREAM gửi đi một thông điệp mạnh mẽ: “Mỗi ngôn ngữ đều mang trong mình lịch sử, bản sắc và tri thức. Thúc đẩy sự đa dạng ngôn ngữ là xây dựng một thế giới công bằng và hòa nhập hơn.”
Giải thưởng Xóa nạn mù chữ Quốc tế của UNESCO: Tôn vinh sự đổi mới và xuất sắc trong lĩnh vực xóa mù chữ
Kể từ năm 1967, Giải thưởng Xóa nạn mù chữ Quốc tế của UNESCO đã vinh danh những sáng kiến xuất sắc trong lĩnh vực xóa mù chữ trên toàn cầu.
1. Giải thưởng Xóa nạn mù chữ Quốc tế King Sejong (thành lập năm 1989, do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ) đặc biệt chú trọng đến các chương trình giáo dục xóa mù chữ dựa trên tiếng mẹ đẻ
2. Giải thưởng Xóa nạn mù chữ Quốc tế Confucius (thành lập năm 2005, do Chính phủ Trung Quốc tài trợ) hướng đến xóa mù chữ thông qua ứng dụng công nghệ và hỗ trợ người lớn ở vùng nông thôn cũng như thanh niên ngoài hệ thống trường học.
Những giải thưởng này khẳng định vai trò quan trọng của giáo dục đa ngữ trong việc trao quyền cho cá nhân và xây dựng cộng đồng học tập bền vững.