Lấy cảm hứng từ Công ước diệt chủng của Liên Hợp Quốc năm 1948, các nhà lãnh đạo UNESCO cùng học giả đã thảo luận về các nghiên cứu mới, đề ra khuôn khổ cho hợp tác quốc tế trong tương lai. Nhóm chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế, đồng thời kêu gọi tích hợp nhiều quan điểm và phương pháp tiếp cận hơn vào nghiên cứu, giảng dạy về nạn diệt chủng.
Sau cuộc họp kéo dài hai ngày, trong đó, UNESCO đã thành lập Mạng lưới về giáo dục và phòng ngừa nạn diệt chủng. Mạng lưới này sẽ là nền tảng gắn kết chặt chẽ hơn giữa các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục và phòng chống diệt chủng trên toàn thế giới.
Diệt chủng gieo rắc hậu quả tàn khốc cho tất cả nạn nhân hứng chịu. Chính vì vậy, ngăn chặn kịp thời nạn diệt chủng và các tội ác tàn bạo khác là trọng tâm sứ mệnh của UNESCO trong việc góp phần xây dựng hòa bình bền vững. Giáo dục đóng vai trò then chốt trong nỗ lực này bởi tiềm năng thúc đẩy và khả năng chống lại những tuyên truyền kích động thù địch và bạo lực.
Cuộc họp về nạn diệt chủng do UNESCO tổ chức. Ảnh: UNESCO |
UNESCO tin rằng giáo dục đóng vai trò thiết yếu trong việc ngăn chặn bạo lực và xây dựng hòa bình bền vững, tổ chức đưa ra một số giải pháp như: (1) Nâng cao nhận thức về nguyên nhân và hậu quả của nạn diệt chủng; (2) Chống lại ngôn từ gây thù hận và phân biệt đối xử; (3) Giải quyết chủ nghĩa cực đoan bạo lực.
Ngoài ra, UNESCO cũng hỗ trợ các phương pháp giáo dục giúp giải quyết hậu quả của bạo lực trong quá khứ: (1) Giáo dục về tác động lâu dài của bạo lực; (2) Thúc đẩy hòa giải và hàn gắn vết thương; (3) Bảo tồn ký ức.
UNESCO đang triển khai nhiều chương trình giáo dục trên khắp thế giới nhằm thúc đẩy hòa bình và ngăn chặn bạo lực. Các chương trình này hướng đến trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn, sử dụng nhiều phương pháp giảng dạy khác nhau, bao gồm lớp học chính thức, hội thảo, chương trình trực tuyến và các chiến dịch truyền thông.