32 tác phẩm dưới đây với điểm số cao về mặt kỹ thuật, nội dung và câu chuyện chính là những mảnh ghép độc đáo và giá trị góp vào bức tranh chung của một Hà Nội vốn đa dạng và bao trùm.
1. Tác phẩm: Lặng - Tác giả: Nguyễn Quốc An
“Đến dưới chân cầu Long Biên, nơi trái ngược với cuộc sống chật chội của nội đô, tiếng nói to gào lên như muốn nổ phổi của những người dân nơi đây khi đang đánh cá thật sự đã khơi dậy phần kí ức sâu thẳm của tôi về quê nhà.
“Người Hà Nội thanh lịch mà nho nhã lắm, ấy là người ta nói thế, chứ mày nhìn chú có thanh lịch tí nào đâu!” - ông ấy vừa neo cái thuyền nhỏ lại, vừa nói với tôi. Ngồi trên đống đất có chút ướt quanh sông Hồng, tôi với ông chú nói chuyện trên trời dưới đất, tôi khá thích cái cách mà con người Hà Nội kể về nơi họ sống. Ông ý kể về cái cầu Long Biên: “Có thể nó rỉ, nó xấu đi rồi nhưng nó đứng đấy được gần hơn trăm năm rồi. Chứng nhân lịch sử cả đấy! Cái cầu Long Biên tao thấy có khi còn Hà Nội hơn cả tao, âm thầm nhỏ nhẹ mà đồng hành cùng với cái Thủ đô này.”
Ông ta nói thế, chứ tôi thấy ổng vẫn đậm chất Hà Nội lắm. Cái thanh lịch của người Tràng An là không màu mè phô trương, giản dị. Có chăng là cuộc sống vất vả đã làm mất đi cái vẻ từ tốn vốn có của ông khi làm việc mà thôi.”
2. Tác phẩm: Hanoi Tours - Tác giả: Hoàng Thu Trang
“Phố cổ là nơi đầu tiên tôi tìm đến để có thể nhìn ngắm và khám phá về một Hà Nội chân thật. Rảo bước nhanh qua phố Tràng Tiền, tiếng guitar nhẹ nhàng hoà cùng giọng ca đầy nội lực của những người nghệ sĩ mù bỗng níu chân tôi dừng lại trong vô thức. Và rồi, ánh mắt tôi lại vô tình rơi vào một bóng lưng thật nhỏ nhắn. Một em bé Hà Nội.
“Mẹ ơi! Sao chú kia lại đeo kính đen ạ?”
“Chú ấy không thể nhìn thấy ánh sáng con ạ!”
“Ơ! Vậy sao chú ấy đánh đàn được? Đúng là tài quá mẹ ha!”
“Chú ấy rất nghị lực phải không con? Vì thế, sau này lớn lên, dù gặp bất cứ khó khăn gì con cũng phải cố gắng vượt qua như các chú con nhé!”
“Vâng ạ!”
Chỉ một khoảnh khắc, đôi lời chuyện trò nhẹ nhàng kia đã khiến tôi thay đổi cái nhìn về con người Hà Nội với nhịp sống hối hả đầy vội vã. Em khiến tôi nhớ về mình ngày xưa. Ôi cái tuổi hồn nhiên, vô lo vô nghĩ. Mẹ cũng dắt tôi dạo quanh làng xã, khích lệ tôi quan sát và cảm nhận thế giới bằng tất cả những giác quan của mình. Tiếng ngân vang của người nghệ sĩ mù dần kéo tôi về thực tại. Tôi ngẩn người, ồ thì ra, vẫn còn nhưng khoảng bình dị và mộc mạc đến thế. Em bé này sao có thể đáng yêu và hiểu chuyện như vậy. Tôi không biết em bé có hiểu được hết lời của mẹ hay không, nhưng điều tôi biết chắc chắn rằng, trong lòng em, mầm cảm thông, mến mộ, và tình yêu thương dành cho những người nghệ sĩ mù đang nảy nở. Tôi tin em sẽ trở thành một người tốt khi trưởng thành.”
3. Tác phẩm: Lặng - Tác giả: Hà Anh Tuấn
Trà đá vỉa hè, ẩm thực vỉa hè, những gánh hàng rong trên vỉa hè,... là đặc trưng của Hà Nội. Thế còn cờ tướng vỉa hè thì sao nhỉ?
Tôi để ý rằng cờ tướng vỉa hè vô cùng phổ biến. Nhưng có lẽ hiếm ai để ý rằng đây cũng là một đặc trưng riêng của Hà Nội. Ai nói chỉ người lớn tuổi mới chơi cờ tướng? Chỉ là các bác lớn tuổi thì cờ tướng phổ biến và quen thuộc hơn thôi. Nhiều lần dạo quanh các con phố ở Hà Nội tôi cũng đã bắt gặp những hình ảnh các anh nhân viên văn phòng “ngồi trà đá” chơi cờ tướng với các bác. Có lẽ đó cũng là những khoảng khắc mà những người nhân viên văn phòng ấy được “lặng”. Được tĩnh lại sau những ca làm việc căng thẳng, được tĩnh lại trong nhịp sống bộn bề, tất bật. Còn với các bác cờ tướng không chỉ là một ván cờ thắng thua, mà đó còn là buổi giao lưu, gặp mặt hàn thuyên. Cờ tướng vỉa hè còn đặc biệt hơn vì giữa lòng thủ đô nhộn nhịp, nườm nườm lượt xe qua lại ấy vẫn có những người “lặng” lại để suy nghĩ từng nước cờ, để trầm tư đến thanh thản. Cờ tướng không chỉ là thú vui giải trí tuổi xế chiều của các bác mà nó còn là cách để hoài niệm, để “lặng” giữa lòng phố thị bộn bề, tất bật.
4. Tác phẩm: Cô lao công trường tôi - Tác giả: Nguyễn Nhâm Ngọc Trường
Khi bình minh 1 ngày mới bắt đầu, được bước trên sân trường sạch sẽ điều tôi luôn nghĩ đến là các cô lao, các bác lao công ở trường mình.
5. Tác phẩm: Gánh hàng rong, ký ức còn mãi - Tác giả: Phan Hồng Hải
“Nhắc đến Hà Nội, Chúng ta sẽ nhắc ngay tới bún, phở, và hàng trăm thứ văn hóa khác nhau. và sẽ là thiếu sót lớn nếu không nhắc tới văn hóa bán "HÀNG RONG". Nét văn hóa bán "Hàng Rong" đã ăn sâu vào tiềm thức con người Hà Nội và sẽ không ngoa khi nói rằng bao giờ Hà Nội hết bán "HÀNG RONG" thì Hà Nội mới không còn là Hà Nội nữa. Những "HÀNG RONG" được tạo nên từ những con người lao động nghèo khó, ngày ngày rong duổi bán hàng mưu sinh khắp phố, phường, ngõ ngách khắp thủ đô Hà Nội. Vô hình trung tạo nên một hình ảnh, một nét văn hóa thật đẹp mà ít nơi nào có được. Chúng ta có thể tìm thấy mọi thứ ở những "HÀNG RONG" từ đồ ăn như bún, cháo, phở. Cho đến những đồ dùng sinh hoạt như cái bấm móng tay, cái kéo hay con dao, cái chổi lông gà... v.v Người Hà Nội thường ví von những "HÀNG RONG" này là những siêu thị biết di chuyển... và những "siêu thị" này đã góp phần làm cho nét văn hóa tại Hà Nội trở nên đầy màu sắc và rực rỡ hơn."
6. Tác phẩm: The Harmony of Past and Present - Tác giả: Lê Đức Minh (Supporters: Nguyễn Nam Khánh, Bùi Bích Thuỷ)
“On its own, the Hoàn Kiếm lake or the well-known "phở" wouldn't make Hanoi "Hanoi". A bit of everything - from the rickshaws to the taxis, from the rustic houses to the skyscrapers - the old along with the youthful new is what makes Hanoi “Hanoi”. So go out there and grow fonder of Hanoi’s mesmerizing identity - a beautiful rendezvous of past and present.”
(Tạm dịch: Chỉ hồ Hoàn Kiếm hay món phở nổi tiếng sẽ không biến Hà Nội thành "Hà Nội". Mỗi thứ một chút - từ những chiếc xe kéo đến những chiếc taxi, từ những ngôi nhà mộc mạc đến những tòa nhà chọc trời - cái cũ cùng với cái mới đan xen là những gì tạo nên chất "Hà Nội". Vì vậy, hãy ra ngoài và yêu mến bản sắc đầy mê hoặc của Hà Nội - một điểm hẹn tuyệt đẹp giữa quá khứ và hiện tại.)
7. Tác phẩm: Một Hà Nội tách biệt khỏi xô bồ - Tác giả: Nguyễn Trâm Anh
Trong một thành phố đông đúc, không khó để gặp được những dòng người đi lại hối hả, đoàn xe tấp nập chạy trên đường phố. Đó là những hơi thở vồn vã luôn bao trùm thủ đô, ngày qua ngày với tiếng còi xe không ngơi nghỉ.
Thế nhưng tách biệt với những âm thanh ấy, ngay bên trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là một buổi hòa nhạc du dương, với những giai điệu êm tai đưa khán giả vào một thế giới hoàn toàn khác. Dòng xe ngoài kia nối đuôi nhau chạy, những nốt nhạc trong này nối nhau "bay". Không gian tưởng chừng ngưng đọng như một khắc trốn chạy khỏi guồng quay cuộc sống. Không còn ai bận tâm với những vồn vã ngoài kia, chỉ còn những ánh mắt dõi theo đôi tay của nhạc trưởng, những bàn tay thuần thục trên nhạc cụ và đôi tai đắm chìm trong giai điệu cảm xúc.
Một khắc lắng đọng khác mà tôi bắt gặp trong Bảo tàng chính là khung cảnh hai bố con trong trang phục dân tộc đang thưởng thức tranh. Đứa bé hiếu kì với tất cả mọi thứ, không ngừng nhìn xung quanh và ngây thơ đặt ra cho bố vô vàn câu hỏi. Người bố kiên nhẫn chỉ vào từng bức tranh và giới thiệu với con. Ánh mắt ông hết nhìn những bức tranh lại nhìn vào đôi mắt con trẻ. Ông truyền đạt tình yêu nghệ thuật của mình bằng tất cả sự kiên nhẫn và tình yêu thương. Không hề có tiếng còi xe ồn ào, ở đây chỉ có những lời giảng giải chậm rãi của một bóng lưng rộng và một đôi tay bé con.
(Còn tiếp)