Bia rượu liên tục không phải là có lợi cho sức khỏe nhưng trong những ngày Tết như bây giờ nhiều người không thể tránh được các buổi tiệc rượu, tiệc mừng,... Vậy phải uống làm sao, làm gì trước và sau khi uống để hạn chế tối đa ảnh hưởng sức khỏe của những ly rượu bia ngày tết, đảm bảo vẫn đủ để duy trì cuộc vui nhưng không ảnh hưởng xấu tới bản thân? Diễn đàn khoa học và công nghệ Tinh Tế đã tổng hợp lại một số gợi ý của các nhà khoa học và chuyên gia y tế về vấn đề này.
Luôn lắng nghe "tiếng nói" từ chính cơ thể, uống chậm, uống theo nồng độ rượu, ngủ đủ giấc, ăn đủ và ăn đúng thức ăn cần thiết, bổ sung nước ngay trong khi và sau khi uống,... là một vài "kỹ thuật" để giúp mỗi người chúng ta có thêm cơ hội "giành chiến thắng sau mỗi cuộc tiệc tùng bia rượu" mà vẫn đảm bảo sức khỏe của bản thân.
Rượu được cơ thể xử lý thế nào sau khi uống
Theo Viện sức khỏe quốc gia Hoa Kỳ: "Sau khi uống rượu vào người, nó sẽ được hấp thu chủ yếu tại ruột non, đi vào các tĩnh mạch ở ruột, dạ dày và theo máu chuyển tới gan. Tại đó, nó sẽ được tiếp xúc với enzyme để chuyển hóa. Nồng độ rượu trong máu (BAC - Blood-Alcohol Content) được chi phối bởi yếu tố môi trường (như tốc độ uống, sự hiện diện của thức ăn trong dạ dày, loại đồ uống có cồn đó là gì,...) và yếu tố di truyền (gen quy định enzyme chuyển hóa alcohol dehydrogenase (ADH) và aldehyde dehydrogenase (ALDH2)".
Tìm một tốc độ uống cho bản thân
Ăn tiệc tùng mừng năm mới thường mất một thời gian khá dài và do đó, chúng ta cần có một cách tiếp cận đúng đắn để đảm bảo duy trì cuộc vui mà không rơi vào trong trạng thái say xỉn mất kiểm soát. Nên nhớ suy cho cùng, rượu là một chất độc đối với cơ thể, uống rượu là một quá trình từ từ.
Đây là một cuộc thi chạy việt dã chứ không phải cuộc thi chạy nước rút. Việc lắng nghe và tôn trọng tiếng nói từ chính cơ thể của bạn là yếu tố tiên quyết. Nếu cơ thể nói với bạn rằng "tôi đã đủ rồi" thì cho dù bạn vẫn còn chạy tốt nhưng cần phải dừng lại bởi khi đó, nếu tiếp tục sẽ có thiệt hại.
Tuy nhiên, nếu có thể nó nói với bạn rằng "hãy cho tôi thêm 15 phút, tôi sẽ hoạt động như lúc mới bắt đầu." thì có thể sẽ tiếp tục được và do đó, tìm một tốc độ thích hợp để đáp ứng cơ thể. Đó là những lời nhắn mà chỉ có bạn mới nghe được và hãy luôn tôn trọng nó.
Độ rượu càng cao uống càng chậm mất sức càng ít
Độ rượu (ABV) là yếu tố cực kỳ quan trọng cần phải chú ý. Người ta tính đơn vị rượu (unit of alcohol) tương đương 10 gram cồn nguyên chất bằng công thức = thể tích (ml) x ABV (%) / 1000 (ml). Thí dụ như 1 lon bia 330 ml có độ rượu 5% thì tương đương 1,65 đơn vị rượu.
Trong khi đó 1 shot 25 ml rượu mạnh 40% tương đương 1 unit. Do đó trở lại phép ẩn dụ cuộc đua việt dã nói trên, nếu như bạn uống bia cũng giống như cách đi bộ chậm ổn định và có nhiều khả năng đưa bạn về đích được. Tuy nhiên, nếu làm một shot rượu mạnh 40% thì cũng giống như là đột ngột chạy nhanh 100 mét trên đường chạy việt dã. Khi đó, bạn đã mất một lượng lớn sức cho đoạn 100 mét đó nên có thể bạn không hoàn thành được toàn bộ quá trình.
Do đó, ngay khi làm một shot rượu mạnh cần phải chậm lại ngay lập tức để cơ thể phục hồi phần nào. Hoặc cách tiếp cận tốt hơn là nhấp từng ngụm rượu với thời gian cách quãng. Ở đây chúng ta không nói tới việc ngồi nhấm nháp một ly rượu ngon mà nói tới việc uống rượu khi dự tiệc và có lẽ một số bạn sẽ cho rằng điều đó là không thể, đặc biệt là cứ trên bàn tiệc mà ai cũng "bày tỏ tình cảm" bằng cách cạn ly. Mẹo ở đây là gì? Ngay lập tức uống thêm nước lọc vào sau khi uống rượu, có thể phần nào ly rượu đó sẽ trở thành bia và đoạn đường chạy của chúng ta sẽ nhanh hơn.
Ăn
Đây là điều quá sức cần thiết trước, đang và sau khi uống rượu. Uống với một cái dạ dày trống rỗng chắc chắn sẽ dẫn tới nhanh say và tác động tới sức khỏe cũng xấu hơn với một cái dạ dày đã có thức ăn. Tuyệt đối đừng để bụng rỗng và đi uống bia. Và hãy ăn một cách nghiêm túc, bắt đầu với một bữa sáng thật sự thinh soạn. Như đã đề cập ở lúc đầu, rượu sẽ được hấp thụ ở ruột non là chủ yếu và do đó, hãy tống một lượng lớn thức ăn vốn đầy những carbohydrates phức tạp vào trong đó. Tại sao vậy? Với các loại thức ăn nhiều protein như trứng, sữa, chất béo,... thì cơ thể sẽ mất thời gian lâu hơn để tiêu hóa, do đó nó sẽ ở lại cơ thể lâu hơn và từ đó, cản trở quá trình rượu hấp thụ.
Chưa dừng lại ở đó, không được dừng ăn ngay cả khi bạn đã tham gia buổi tiệc. Điều này không chỉ duy trì việc rượu chậm hấp thụ vào máu mà còn làm bạn cảm thấy no, từ đó tạo cảm giác không muốn uống nhiều.
Bổ sung nước
Rượu còn có tác dụng như một loại thuốc lợi tiểu. Bạn sẽ đi tiểu nhiều hơn khi uống rượu bia và từ đó, bạn dễ bị mấy nước hơn (đây cũng là nguyên nhân gây ra sự khó chịu khi say rượu và cảm giác sau khi thức dậy). Nói tóm lại, nước là bạn đồng hành với người uống bia rượu, không phải là nước ngọt, nước trái cây,... mà chỉ càn nước thường. Hãy cố gắng uống 1 ly nước lọc sau mỗi ly đồ uống có cồn mà bạn uống vào. Nghe có vẻ khó khăn nhưng đó lại là điều cực kỳ quan trọng giúp bạn giảm triệu chứng khó chịu trong và sau khi uống rượu.
Việc bổ sung nước còn có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo duy trì chức năng não. Bạn càng mất nước thì đầu sẽ càng đau nhức và càng khó khăn suy nghĩ hơn so với bình thường, từ đó nhanh chóng dẫn tới tình trạng khó chịu khi say xỉn.
Ngủ đủ
Có bao giờ bạn cảm thấy đang mệt mỏi và chỉ cần uống 1 ly bia, bạn sẽ cảm thấy như 3 ly vậy. Thật ra, một phần của vấn đề là khi bạn đang mệt mỏi, việc suy nghĩ rõ ràng sẽ khó khăn hơn. Các nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng các triện chứng kiệt sức cũng tương tự như đang say rượu. Do đó, khi đang mệt mỏi, buồn ngủ thì việc uống bia rượu sẽ càng khuếch đại sự mệt mỏi này thêm nhiều lần.
Một nghiên cứu do Đại học Rochester đã chỉ ra rằng: nhìn chung thì sự mệt mỏi, buồn ngủ sẽ dẫn tới tăng nồng độ rượu trong máu cao hơn so với bình thường bởi khi đó gan sẽ hoạt động kém hiệu quả hơn trong việc loại bỏ cồn ra khỏi máu. Hơn nữa, rượu là một chất ức chế và nếu uống nó khi đang mệt mỏi, thì cảm giác khó chịu trong và sau khi uống sẽ được phóng đại lên so với bình thường. Do đó, đảm bảo ngủ đầy đủ, từ đó tạo sức khỏe tốt nhất khi tham gia tiệc rượu là một trong những chiến lược để bảo toàn sức khỏe.
Giải nhiệt cho cơ thể
Rượu và nhiệt độ chưa bao giờ là sự kết hợp hoàn hảo. Quân đội Mỹ đã nghiên cứu và chứng minh rằng cồn sẽ "làm tăng huyết áp, tăng thân nhiệt và thậm chí là dẫn tới các chứng bệnh có liên quan tới thân nhiệt như sốc nhiệt, đột quỵ. Điều này còn nguy hiểm hơn nếu người uống có tiền sử cao huyết áp. Thêm vào đó, này cơ thể đang nóng lên, mồ hôi đổ nhiều hơn và cần phải bổ sung thêm nước để giữ sự cân bằng. Trớ trêu thay, rượu lại là một chất làm mất nước nên việc tái bổ sung phải vô cùng cần thiết. Đồng thời, cần phải có biện pháp giải nhiệt cho cơ thể để vừa làm mát, vừa giảm mất nước.
Bổ sung vitamin cho cơ thể
Rượu không chỉ lấy đi nước của cơ thể bạn mà qua đó, nó còn khiến các chất dinh dưỡng, vitamin quan trọng trong cơ thể bị suy giảm, điển hình là vitamin B. Mặt khác, cần bổ sung thêm các chất điện giải để hỗ trợ khả năng tái hấp thu nước cho cơ thể. Có nhiều loại thực phẩm, rau củ quả chứ nhiều vitamin, khoáng chất và đây đều là bạn đồng hành với bạn để bảo toàn sức khỏe sau trận đấu bia rượu mệt mỏi.
Một số người lại chọn cách uống caffein hoặc những chất tương tự để giúp tỉnh táo khi uống rượu. Không! Nó chẳng những không thể giúp bạn chống lại cảm giác say rượu mà đổi lại, nó còn ngăn cản quá trình bạn lắng nghe cơ thể do đánh lừa rằng bạn vẫn còn tỉnh táo mặc dù sức chịu đựng của cơ thể là có giới hạn. Do đó, các chất kích thích tỉnh táo có thể khiến bạn ngộ nhận, ảo tưởng sức mạnh mà uống nhiều hơn, nhanh hơn, từ đó triệu chứng say sau khi uống sẽ trầm trọng hơn.
B.M