Út ‘trọc’ có thể lãnh 20 năm tù

VKS đề nghị phạt cựu thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến 3-4 năm tù, Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”) 20 năm tù.
Các bị cáo tại tòa ngày 20-5.
Các bị cáo tại tòa ngày 20-5.

Ngày 20-5, phiên tòa xét xử ông Nguyễn Văn Hiến, cựu thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cùng các bị cáo trong vụ án liên quan đến sai phạm tại ba khu đất trên đường Tôn Đức Thắng (TP.HCM) bước sang phần tranh luận.

VKS đề nghị mức án

Đại diện VKS quân sự Quân chủng Hải quân (QCHQ) đề nghị HĐXX tuyên phạt cựu thứ trưởng Nguyễn Văn Hiến 3-4 năm tù về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

VKS đề nghị phạt bị cáo Bùi Như Thiềm (cựu trưởng phòng kinh tế QCHQ) 7-9 năm tù, Đoàn Mạnh Thảo (cựu trưởng phòng tài chính QCHQ) 5-7 năm tù, Bùi Văn Nga (cựu giám đốc Công ty Hải Thành, thuộc QCHQ) 6-8 năm tù và Trần Trọng Tuấn (cựu phó giám đốc Công ty Hải Thành) 3-4 năm tù, cùng về tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai.

Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”, cựu phó tổng giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn) bị đề nghị phạt 20 năm tù, tổng hợp với bản án trước đó của Tòa án quân sự trung ương là 30 năm tù, Phạm Văn Diệt (cựu giám đốc điều hành Công ty Yên Khánh) 15 năm tù và Vũ Thị Hoan (cựu giám đốc Công ty Yên Khánh) 7-9 năm tù, cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đại diện VKS cũng đề nghị trả lại quyền sử dụng ba khu đất trên đường Tôn Đức Thắng (TP.HCM) cho QCHQ. Đối với số tiền hơn 939 tỉ đồng là tiền sử dụng của ba khu đất nêu trên, đây là tiền liên quan trực tiếp tới tội phạm, cần tịch thu sung công vào ngân sách nhà nước.

Ông Hiến có lỗi vô ý vì quá tự tin

Ông Hiến bị cáo buộc thiếu kiểm tra, tin tưởng cấp dưới nên đã ký, phê duyệt vào các văn bản để đưa ba khu đất trên vào liên doanh làm kinh tế mà bản chất là cho thuê đất không đúng quy định.

Khi Công ty Yên Khánh gửi tờ trình và đưa ra thông tin gian dối về năng lực, với cương vị và chức trách của mình, lẽ ra cựu tư lệnh QCHQ phải chỉ đạo việc kiểm tra, xác minh năng lực thực tế của công ty.

Thế nhưng các bị cáo Thiềm và Thảo đã không tham mưu, đề xuất, từ đó ông Hiến không chỉ đạo kiểm tra nên không phát hiện sự gian dối trên. Cũng vì tin tưởng cấp dưới, ông Hiến đã ký văn bản cho các doanh nghiệp ngoài quân đội thuê ba khu đất quốc phòng làm kinh tế dưới hình thức liên doanh.

Ngoài ra, VKS còn xác định cựu thứ trưởng Bộ Quốc phòng không kiểm tra việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất tại ba khu đất, không kiểm tra việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của bộ trưởng Bộ Quốc phòng, không trực tiếp kiểm tra việc thực hiện dự án của Công ty Hải Thành.

Những thiếu sót nói trên dẫn đến đối tác sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) mang đi thế chấp, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển nhượng quyền sở hữu cho bên thứ ba… khiến QCHQ mất quyền sử dụng ba khu đất, gây thất thoát hơn 939 tỉ đồng.

“Bị cáo là người có chức vụ, quyền hạn, thực hiện tội phạm với lỗi vô ý vì quá tự tin, không có động cơ, mục đích vụ lợi” - VKS nhận định.

Út “trọc” thôn tính đất quốc phòng

Trong số tám bị cáo, Hệ là người bị đề nghị mức án cao nhất. Theo cơ quan công tố, Hệ thành lập nhiều công ty như Công ty Thái Sơn Bộ Q.p, Công ty CP Xăng dầu Thái Sơn B.Q.P... khiến nhiều người lầm tưởng đây là các công ty của Bộ Quốc phòng.

Hệ còn thành lập nhiều công ty và đứng sau chỉ đạo như Công ty Yên Khánh, Tập đoàn Đức Bình, Công ty Mai Hiền… Hành vi điển hình trong các chuỗi hành vi vi phạm pháp luật của Hệ khi điều hành các công ty là không góp vốn hoặc không góp vốn đầy đủ, thôn tính đất quốc phòng sau đó sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt quyền sử dụng. Hệ dùng ảnh hưởng và mối quan hệ của mình để chi phối, dành được các dự án lớn mà nhiều doanh nghiệp làm ăn chân chính phải thèm muốn.

Với thủ đoạn tinh vi nhằm thôn tính khu đất 7-9, Hệ đã gian dối trong việc phản ánh năng lực của Công ty Yên Khánh để ký hợp đồng liên doanh với Công ty Hải Thành, rồi chuyển GCNQSDĐ từ Công ty Hải Thành sang Công ty Yên Khánh Hải Thành và mang đi thế chấp ở ngân hàng, phục vụ lợi ích riêng của Hệ.

“Việc thế chấp khiến khu đất có thể bị phát mại bất cứ lúc nào nếu không thanh toán được tiền nợ” - VKS đánh giá.

“Làm hư hỏng nhiều cán bộ cấp cao của quân đội”

Theo VKS, hành vi lừa đảo chiếm đoạt quyền sử dụng đất của Hệ diễn ra trong nhiều năm với sự tính toán kỹ càng từ khi thành lập Công ty Yên Khánh và được thể hiện rõ nhất qua việc thế chấp khu đất số 7-9 tại ngân hàng. Bị cáo sẵn sàng quy chụp cho cả người thân vu khống mình nhằm che giấu thân phận, trốn tránh trách nhiệm.

Cơ quan công tố còn nhấn mạnh hành vi của Hệ không chỉ xâm phạm quyền sở hữu tài sản của Nhà nước mà còn gây lũng đoạn chính sách phát triển kinh tế, làm hư hỏng một lượng không nhỏ đội ngũ cán bộ nhà nước, trong đó có cả cán bộ cấp cao của quân đội, đưa nhiều nguời vào vòng lao lý.

Hôm nay (21-5), tòa tiếp tục làm việc. 

Theo PLO
TIN LIÊN QUAN
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
(Ngày Nay) -  Đắk Lắk đang vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến số ca đột quỵ gia tăng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.
Ban lãnh đạo Viettel chúc mừng đồng chí Cao Anh Sơn và đồng chí Nguyễn Đạt được bổ nhiệm Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn.
Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel có thêm 2 Phó Tổng Giám đốc
(Ngày Nay) - Sáng 2/11, tại Văn phòng Quân ủy Trung ương, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trao Quyết định số 420/QĐĐ-BQP và Quyết định số 468/QĐĐ-BQP ngày 1/11/2024 về việc bổ nhiệm cán bộ cho Thượng tá Cao Anh Sơn và Trung tá Nguyễn Đạt giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel).