Cụ thể, phát hiện sơ bộ này dựa trên phân tích dữ liệu từ hơn 20.000 người, chủ yếu là người trưởng thành, 3/4 trong số họ đã được tiêm vaccine, phần còn lại được tiêm giả dược, các nhà nghiên cứu viết trên tạp chí The Lancet.
Đây là vaccine thứ tư, sau các loại vaccine do Pfizer/BioNTech, Moderna và AstraZeneca/Oxford sản xuất, có dữ liệu thử nghiệm giai đoạn 3 đã được công bố trên một tạp chí y tế đáng tin cậy.
Vaccine Sputnik V sẽ cần hai mũi tiêm cách nhau 21 ngày. Trong 21 ngày sau liều đầu tiên, có 16 trường hợp mắc COVID-19 trong tổng số 14,964 người được tiêm vaccine và 62 trường hợp mắc bệnh ở 4,902 người chỉ được tiêm giả dược.
Trong thử nghiệm bao gồm 2.144 người tham gia từ 60 tuổi trở lên, vaccine của Nga có độ hiệu quả lên tới 91,8%.
Trả lời truyền thông, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho biết các loại vaccine do nước này sản xuất đã được thử nghiệm và cho kết quả an toàn.
Theo ông Medvedev, Nga đánh giá vaccine dựa trên nguyên tắc hiệu quả và an toàn. Cựu Tổng thống Nga cũng đề cập đến 3 loại vaccune, bao gồm Sputnik V, EpiVacCorona và một loại do Viện nghiên cứu Chumakov phát triển.
"Tất cả các loại vaccine đều khác nhau về các thành phần sinh học và các phương thức kháng virus. Sputnik V dựa trên việc sử dụng phương pháp adenovirus, với hai thành phần khác nhau, trong khi EpiVacCorona chứa một protein tổng hợp đặc biệt", ông Medvedev nói.
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga cho biết loại vaccine do Viện nghiên cứu Chumakov phát triển là loại thuốc cổ điển nhất vì nó chứa virus bất hoạt gây viêm phổi và loại vắc xin này "hoạt động theo các nguyên tắc giống như các loại vaccine được sử dụng trong 200 năm".
“Chúng tôi đã thử nghiệm các loại vaccine này, chúng đều được công nhận là an toàn để sử dụng", ông Medvedev nói.
Theo vị quan chức, Nga không áp đặt nhiệm vụ cung cấp vaccine cho các nước khác. Nhiệm vụ chính của Nga là sản xuất đủ số lượng vắc xin hiệu quả cho người dân trong nước.