Sự việc bắt đầu từ việc có một đối tượng mang vàng nguyên liệu đến giao dịch tại cửa hàng vàng thuộc khu 6, phường Giếng Đáy, Hạ Long. Miếng vàng nguyên liệu có trọng lượng khoảng 3 “cây”, được chào bán với giá 115 triệu đồng. Do thấy những dấu hiệu bất thường, chủ cửa hàng đã báo với cơ quan công an.
Vàng giả hầu hết có nguồn gốc từ Trung Quốc tuồn vào Việt Nam theo đường xách tay |
Một cán bộ của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ - Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết. Hầu hết vàng “bẩn”, vàng giả đều có nguồn gốc từ Trung Quốc tuồn vào Việt Nam bằng đường xách tay.
Những loại vàng này đều được sản xuất tại Trung Quốc hoặc Hong Kong sau đó được một số đối tượng người Trung Quốc liên kết với đối tượng người Việt Nam đưa qua biên giới vào sâu trong nội địa để tiêu thụ.
Nguyên tắc tạo nên "vàng giả"
Theo các chuyên gia phân tích, nguyên tắc để tạo nên thỏi vàng giả được thực hiện bằng cách trộn theo tỷ lệ 51% vàng thật với đồng, nikel, sắt và một số kim loại hiếm như osmium, indium, ruthenium và rhodium (Theo các chuyên gia, cách phổ biến nhất để sản xuất vàng giả là trộn vonfram ở dạng bột với vàng ở trạng thái nóng chảy vì tỷ trọng của vàng và vonfram gần giống nhau (19,6 và 18,3). )
Khi nung với nhiệt độ nóng chảy của vàng, vàng sẽ nóng chảy và bao quanh vonfram chưa đủ nhiệt độ nóng chảy tạo thành một lớp vàng bên ngoài, lõi vonfram. Thông thường, người ta chỉ rút khoảng 20 đến 30% vàng thật cộng với vonfram tạo ra một hỗn hợp vàng óng mà mắt thường không thể nhìn thấy được.
Hỗn hợp vàng độn này có thể vượt qua sự kiểm tra ngặt nghèo của máy đo. Máy thử vàng phát hiện được 17,18 nguyên tố kim loại khác nhau nhưng chưa cài đặt nhận biết vonfram. Khi thử vàng độn, các chỉ số hiển thị trên máy không ghi nhận tạp chất này nên kết luận là vàng 999 hoặc 9999.
Theo tính toán, mỗi lượng vàng độn, kẻ gian có thể lãi từ 6 đến 7 triệu đồng (1 lượng vàng 9999 có thể độn được khoảng 20% vonfram, tương đương khoảng 2 chỉ vàng thật. Trong khi đó, giá trị của vonfram rất thấp. Hiện nay, ở Việt Nam kim loại này có giá khoảng trên dưới 100 nghìn đồngmột kg.
Do vàng giả hiện được làm một cách tinh vi có thể qua mắt hầu hết các phần mềm được cài đặt sẵn trong những thiết bị kiểm định vàng, do vậy, người tiêu dùng phân biệt vàng giả bằng mắt thường là rất khó, cơ quan chức năng cũng gặp phải tương tự để phân biệt mặt hàng cao cấp này.
Cách phân biệt chất lượng "vàng giả"
Để thông tin với bạn đọc về cách phân biệt chất lượng "vàng giả" chúng tôi đã liên hệ với ông Nguyễn Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ đánh giá Hợp chuẩn hợp quy (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - TCĐLCL).
Ông Linh cho biết, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã chỉ định hai tổ chức thử nghiệm xác định hàm lượng vàng là Trung tâm Kỹ thuật TCĐLCL 1 (tại Hà Nội) và Trung tâm Kỹ thuật TCĐLCL 3 (tại TPHCM).
Ngoài ra, cũng đã xét duyệt hồ sơ đăng ký chỉ định thử nghiệm xác định hàm lượng vàng của một số tổ chức thử nghiệm để tiếp tục chỉ định trong thời gian tới. Danh sách các tổ chức thử nghiệm xác định hàm lượng vàng được chỉ định sẽ được công bố công khai trên trang thông tin điện tử www.tcvn.gov.vn.
Ông Nguyễn Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ đánh giá Hợp chuẩn hợp quy |
Để phân biệt chất lượng vàng, theo ông Nguyễn Hoàng Linh, hiện có ba phương pháp.
Phương pháp thứ nhất không phá hủy mẫu là XRF và hai phương pháp còn lại có phá hủy mẫu là Fire Assay và ICP-OES.
Theo ông Linh, hiện các cơ quan thanh, kiểm tra cũng sử dụng phương pháp này để đánh giá chất lượng vàng phục vụ cho hoạt động quản lý nhà nước. “Ba phương pháp này đảm bảo có thể thử được đối với tất cả các loại vàng trang sức, mỹ nghệ”, ông Linh nói.
Tuy nhiên, về phía người tiêu dùng và ngay cả các cửa hàng, việc phân biệt vàng thật vàng giả đối với loại vàng mới xuất hiện từ Trung Quốc trên hiện cũng không hề dễ dàng.
Những người buôn bán vàng lâu năm có kinh nghiệm hay những máy đo quang phổ, các thiết bị đo tuổi vàng, máy soi hiện nay của nhiều cửa hàng vàng cũng rất khó phát hiện loại vàng giả nêu trên.
Do đó, người tiêu dùng nên mua vàng tại các doanh nghiệp có uy tín, thương hiệu lớn trên thị trường. Khi mua, khách hàng sẽ có hóa đơn biên nhận, có ghi số seri của miếng vàng, mã hiệu tuổi vàng của sản phẩm.
Chế tài xử phạt
Bà Nguyễn Như Quỳnh - Phó thanh tra bộ Khoa học công nghệ cho biết: “Về lý thuyết vàng giả trên thị trường đơn thuần là vàng kém chất lượng, khi phát hiện cơ sở sản xuất thì chỉ sử phạt hành chính theo điều 3 nghị định số 80/2013/NĐ-CP, còn các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sự việc tại Quảng Ninh thì xử lý theo luật hình sự.”
Theo ĐSPL