Chiều 21/1, trao đổi với Thanh Niên, luật sư Hoàng Văn Hướng của Văn phòng Luật sư Hoàng Hưng (thuộc đoàn Luật sư TP.Hà Nội), là người từng bào chữa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bác sĩ Hoàng Công Lương (35 tuổi, từng là bác sĩ đơn nguyên thận nhân tạo tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình), cho biết sáng cùng ngày, thân chủ của ông đã được ra tù, trở về với gia đình trước thời hạn.
Theo luật sư Hướng, sau phiên phúc thẩm, bác sĩ Lương nhận mức án 30 tháng tù giam và được đưa về Phân trại cải tạo Bắc Phong (H.Cao Phong, Hòa Bình; thuộc trại tạm giam Công an tỉnh Hòa Bình) để chấp hành án.
Sau khi chấp hành 19 tháng tù, nhận thấy bác sĩ Lương cải tạo tốt, gia đình có công với cách mạng và 9 bị hại cũng có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bác sĩ Lương; bên cạnh đó bác sĩ Lương cũng phạm tội “vô ý làm chết người”, ít nghiêm trọng nên đã được ân xá, trở về với gia đình, xã hội.
Điều khiến nhiều người quan tâm là sau khi mãn hạn tù, anh Hoàng Công Lương có được tiếp tục làm nghề y nữa hay không? Và cựu bác sĩ của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình muốn tiếp tục theo nghề thì sẽ phải làm gì?
Về vấn đề này, trao đổi với PV Dân Trí, một lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Hòa Bình cho biết, sau khi hết thời hạn chấp hành án, anh Hoàng Công Lương sẽ như những công dân bình thường khác, ngành y tế không có “đặc cách” nào cả.
Để tiếp tục theo nghề, anh Lương sẽ phải trải qua các bước tuyển dụng như những người khác là phải nộp hồ sơ tuyển dụng và thi tuyển vào ngành.
Trước đó, ngày 19/6/2019, Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình chấp nhận kháng cáo, tuyên án phúc thẩm 30 tháng tù (án sơ thẩm 42 tháng tù) đối với bác sĩ Hoàng Công Lương về tội “vô ý làm chết người”.
Theo bản án, bị cáo Lương là bác sĩ điều trị có chứng chỉ hành nghề và được đào tạo về chuyên môn thận nhân tạo. Lương cũng được lãnh đạo giao trách nhiệm chuyên môn ở đơn nguyên thận nhân tạo. Theo quy chế khoa lọc máu, bị cáo này không phải chịu trách nhiệm nguồn nước nhưng buộc phải biết rõ tầm quan trọng của nước trong chạy thận.
Lương biết việc sửa chữa hệ thống RO số 2 vào ngày 28/5/2017 song khi chưa được ai bàn giao, chưa biết hệ thống nước đã đảm bảo an toàn hay chưa mà chỉ nghe điều dưỡng thông báo, Lương đã đưa hệ thống vào chạy thận gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khiến 9 người chết.
Ngoài bị cáo Lương, tòa phúc thẩm cũng tuyên 4 bị cáo: Trương Quý Dương (cựu Giám đốc bệnh viện Hòa Bình),Trần Văn Thắng (nguyên Trưởng phòng vật tư), Hoàng Đình Khiếu (nguyên Phó giám đốc bệnh Hòa Bình) cùng 30 tháng tù về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Cùng phạm tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, nhưng Đỗ Anh Tuấn (nguyên Giám đốc Công ty Thiên Sơn) được giảm nhẹ một phần hình phạt, nhận án 24 tháng tù và cho hưởng án treo.