Vụ Thực hành quyền công tố và Kiểm sát điều tra án kinh tế (Vụ 3), VKSND tối cao đang kiểm sát điều tra vụ án “Sản xuất, buôn bán hàng giả; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Môi giới hối lộ” xảy ra tại Công ty Cổ phần In và Văn hóa Truyền thông Hà Nội; Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Phú Hưng, Đội Quản lý thị trưởng số 17, Cục Quản lý thị trường.
Đến nay, VKSND tối cao phê chuẩn khởi tố 12 bị can, trong đó có bị can Trần Hùng, Chuyên viên chính, nguyên Tổ trưởng Tổ công tác 304 (nay là Tổ trưởng Tổ công tác 1444), Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công Thương (bị can từng là Phó Cục trưởng Cục QLTT) cùng 3 thuộc cấp, về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Kết quả điều tra ban đầu, đường dây sản xuất, mua bán, tiêu thụ sách giáo khoa giả hoạt động nhiều năm nay tại 19 địa điểm, 2 văn phòng công ty, xưởng in, xưởng gia công và 15 kho hàng nằm rải rác trên địa phận Hà Nội.
Đặc biệt, “khách hàng” của đường dây này là một số nhà sách tại Hà Nội và các tỉnh miền Bắc như Sơn La, Hòa Bình, Thái Nguyên, Phú Thọ, Nghệ An, Hà Tĩnh… Lợi nhuận thu được từ số sách giả này khoảng 50 tỷ đồng. Đây là đường dây sản xuất tiêu thụ sách giả với số lượng lớn nhất cả nước từ trước tới nay.
Một đường dây sản xuất, mua bán, và tiêu thu sách lậu với quy mô rộng khắp như vậy, hoạt động trong nhiều năm mà không bị cơ quan chức năng phát hiện khiến dư luận đặt ra những nghi vấn. Mở rộng điều tra vụ án, những bí mật phía sau dần được hé lộ.
Theo đó, từ 9/7/2020, Đội QLTT số 17 (Đội lưu động) thuộc Cục QLTT Hà Nội chủ trì, phối hợp với Tổng cục QLTT, Đội QLTT số 15 (quản lý địa bàn quận Hoàng Mai, Hà Nội), Công an phường Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai) và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam kiểm tra kho sách của Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Phú Hưng Phát tại số 87, ngõ 1141 Giải Phóng (quận Hoàng Mai).
Khi đó, đoàn kiểm tra phát hiện 27.360 quyển sách giáo khoa giả. Cơ sở in số sách giáo dục giả này chính là của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Phú Hưng Phát.
Tuy nhiên, các bị can là những cán bộ quản lý thị trường không thực hiện việc báo cáo tới cơ quan điều tra có thẩm quyền mà tự ý xử lý vụ việc.
Mở rộng vụ án, Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Môi giới hối lộ”. Tiếp đó, VKSND tối cao phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Duy Hải (lao động tự do) về tội “Môi giới hối lộ”.
Cùng thời điểm, VKSND tối cao phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với ông Trần Hùng về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Theo kết quả điều tra ban đầu, bị can Trần Hùng là người trực tiếp chỉ đạo Cục QLTT Hà Nội và Đội QLTT số 17 kiểm tra kho của Công ty Phú Hưng Phát do Cao Thị Minh Thuận làm Giám đốc, phát hiện, thu giữ 27.360 quyển sách thuộc 68 đầu sách giáo khoa giả vào ngày 9/7/2020.
Sau đó, Nguyễn Duy Hải gặp và tác động, “nhờ” Trần Hùng xử lý nhẹ vụ việc của Thuận. Vì vậy, Trần Hùng không chỉ đạo giải quyết vụ việc đối với cấp dưới theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Dẫn đến Cao Thị Minh Thuận tiếp tục thực hiện các hành vi sản xuất, buôn bán sách giáo khoa giả với số lượng lớn.
Bị can Trần Hùng được biết là người khá “nổi tiếng” trong lực lượng quản lý thị trường và người được chú ý trên báo chí, mạng xã hội với những phát ngôn mạnh mẽ trong công tác chống buôn lậu.
Đáng nói là, vài ngày trước khi bị khởi tố, bắt tạm giam, ông này chia sẻ trên trang Facebook cá nhân vụ việc các cán bộ quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường Hà Nội bị bắt giam do liên quan đến vụ sản xuất sách giáo khoa giả.
Trên Facebook, Trần Hùng bày tỏ: Không chỉ đối với lực lượng quản lý thị trường mà còn đối với toàn thể xã hội trong cuộc chiến với cái xấu, với cái sai, rằng chỉ cần một phút yếu lòng trước cam go và cám dỗ, con người ta có thể phạm những sai lầm không thể sửa chữa được và phải trả giá rất đắt vì điều đó. Nếu không giữ gìn đạo đức, phẩm chất, rèn luyện tu dưỡng thường xuyên thì con người ta dễ bị hạ gục và khuất phục bởi những cám dỗ.