Nếu để ý trên các bàn phím máy tính bạn sẽ thấy một điều rằng trên các phím F và J có sự khác biệt với các phím xung quanh nó khi có thêm hai lằn nhỏ nổi lên. Nhiều người nghĩ rằng các lằn này không có công dụng gì nhưng thực tế các nhà sản xuất đã chủ đích thêm vào như một dấu hiệu giúp cho người dùng định hướng được các phím ký tự mà không cần nhìn xuống bàn phím.
Theo đó, hai phím F và J được cho là có khoảng cách cân đối nhất khi bàn tay chúng ta được đặt lên bàn phím, hai phím này giống như dấu mốc giúp chúng ta có thể nhận biết các phím khác xung quanh một cách dễ dàng. Người phát minh ra lằn nhỏ này June E Botich một người Mỹ, nó cũng đã được cấp bằng sáng chế vào năm 2002.
Ngoài ra nhiều người còn thắc mắc rằng vì sao bàn phím không sắp xếp các ký tự theo ABC mà lại sắp xếp thành QWERTY không theo một trật tự nào cả.
Theo Wikipedia, bàn phím QWERTY được nhà phát minh ra máy đánh chữ hiện đại đầu tiên, Christopher Sholes, một nhà biên tập viên sống ở Milwaukee nghĩ ra vào thập niên 1860.
Ban đầu, các ký tự trên máy đánh chữ ông sáng chế ra được xếp theo thứ tự alphabet, đặt trên ở phía cuối của thanh kim loại để đập vào giấy khi phím đó được nhấn. Tuy nhiên, khi người gõ máy chữ đã học cách đánh nhanh thì những thanh nối với các ký tự nằm gần nhau trên bàn phím trở nên vướng vào nhau, buộc người gõ phải dùng tay gỡ các thanh gõ ra, và thường xuyên để lại dấu trên văn bản.
Một nhà kinh doanh làm chung với Sholes, James Densmore, đã đề nghị tách rời các phím ký tự thường dùng ra để tăng tốc độ đánh máy bằng cách sáng chế ra những cặp thanh gõ thường dùng khỏi đập vào trục cùng lúc và dính lại với nhau.
Nhiều ý kiến khẳng định rằng việc sắp xếp lại như vậy có hiệu quả khi tách rời những chuỗi ký tự thông thường trong tiếng Anh và giúp người dùng gõ phím một cách dễ dàng hơn.
Ngoài ra cũng có những nghiên cứu cho rằng việc sắp xếp bàn phím theo định dạng QWERTY được hình thành theo thời gian khi các nhà khai thác điện báo từ hơn 150 năm trước sử dụng máy đánh chữ để dịch mã Morse.
J.K