Sự kiện tàu vũ trụ Thường Nga-6 của Trung Quốc hạ cánh và thu thập các mẫu vật từ vùng khuất của Mặt Trăng được đánh giá là bước tiến mới khẳng định vị thế của Trung Quốc trong cuộc đua chinh phục không gian.
Những năm qua, với những nỗ lực không mệt mỏi của nhiều thế hệ phi hành gia và các nhà nghiên cứu khoa học, ngành hàng không vũ trụ Trung Quốc đã gặt hái những thành tựu đáng kể, thể hiện qua các cột mốc quan trọng như phát triển vệ tinh nhân tạo, tàu vũ trụ có người lái, thăm dò thám hiểm Mặt Trăng và Sao Hỏa.
Ngành nghiên cứu không gian của Trung Quốc đồng thời bước vào con đường phát triển tự lực và đổi mới độc lập, thực hiện “4 chuyển đổi” từ “đi sau” sang “đi song song” và “dẫn đầu một phần," từ mô hình truyền thống sang mô hình hiện đại, từ ứng dụng thử nghiệm sang ứng dụng thương mại và phục vụ đất nước, góp phần vào thành tựu nghiên cứu không gian chung của nhân loại.
Năng lực đổi mới khoa học và công nghệ ngành hàng không vũ trụ của Trung Quốc được củng cố, hệ thống hỗ trợ kỹ thuật không ngừng được cải thiện, nâng cao năng lực dịch vụ ứng dụng không gian và hợp tác quốc tế ngày càng sâu rộng.
Trong những thành tựu vượt bậc mà ngành hàng không vũ trụ Trung Quốc đạt được, nổi bật nhất là lĩnh vực thăm dò Mặt Trăng.
Kể từ khi chính thức khởi động năm 2004 đến nay, dự án thám hiểm Mặt Trăng - “dự án Thường Nga”, đã có những đóng góp nổi bật cho hành trình khám phá Mặt Trăng của con người.
Trong 20 năm qua, từ việc chụp ảnh Mặt Trăng đến lần đầu tiên hạ cánh xuống vùng khuất của Mặt Trăng để thu thập và đưa mẫu vật về Trái Đất, Trung Quốc đã hoàn thành xuất sắc mục tiêu chiến lược 3 bước là “bay quanh, hạ cánh và quay về."
Hơn 3 năm sau khi dự án thám hiểm Mặt Trăng ra đời, tháng 10/2007, tàu thăm dò Mặt Trăng đầu tiên của Trung Quốc, Thường Nga-1, đã được phóng thành công vào vũ trụ, thực hiện bước đầu tiên “bay quanh Mặt Trăng."
Viện sỹ Âu Dương Tự Viễn, nhà khoa học hàng đầu về ứng dụng khoa học Mặt Trăng trong dự án thám hiểm Mặt Trăng của Trung Quốc, cho biết Thường Nga-1 đã hoạt động trên quỹ đạo trong 494 ngày và thu được hình ảnh đầu tiên của Trung Quốc về bề mặt vệ tinh này cùng hình ảnh lập thể toàn Mặt Trăng có độ phân giải 120 mét, bản đồ độ cao, bản đồ phân bố hàm lượng nguyên tố bề mặt Mặt Trăng...
Tháng 3/2009, Thường Nga-1 đã hoàn thành nhiệm vụ “bay quanh Mặt Trăng." Tàu đã làm chủ công nghệ thám hiểm Mặt Trăng và bước đầu thiết lập hệ thống kỹ thuật hàng không vũ trụ để khám phá Mặt Trăng. Sau khi bước vào giai đoạn 2 của dự án thám hiểm Mặt Trăng, Trung Quốc đã có những bước đột phá ở hàng loạt công nghệ chủ chốt trong việc “hạ cánh lên Mặt Trăng."
Năm 2010, Thường Nga-2 đã thu được hình ảnh trăng tròn có độ phân giải 7 mét lớn nhất thế giới, sau đó, con tàu đã quay quanh và phát hiện điểm Lagrange L2 của Mặt Trời và Trái Đất, thực hiện các chuyến bay với độ chính xác cao tới tiểu hành tinh Tutatis cách đó 7 triệu km.
Năm 2013, Thường Nga-3 đã hạ cánh thành công xuống bề mặt Mặt Trăng và thực hiện các chuyến tuần tra và khảo sát bề mặt vệ tinh này, đạt được thành tích lần đầu tiên Trung Quốc phát hiện trực tiếp các vật thể ngoài Trái Đất và đánh dấu bước chân của xe tự hành Ngọc Thố trên Mặt Trăng.
Cuối năm 2018, Thường Nga-4 đã hoàn thành cú hạ cánh nhẹ nhàng xuống miệng núi lửa Von Karman ở phía xa của Mặt Trăng, đi đầu trong việc vén màn bí ẩn về địa điểm này. Xe thám hiểm tự hành Ngọc Thố-2 đáp xuống Mặt Trăng, để lại vết tích đầu tiên của con người trên mặt khuất tại đây.
Tháng 12/2020, Thường Nga-5 trở lại Trái Đất mang theo mẫu đất thu được từ Mặt Trăng, đánh dấu lần đầu tiên sau hơn 40 năm con người lại thành công trong việc lấy mẫu vật từ Mặt Trăng mang về hành tinh.
Sứ mệnh lấy mẫu đất của Mặt Trăng được thực hiện bằng tàu tự hành không người lái đầu tiên của Trung Quốc, tạo ra những bước đột phá trong các công nghệ quan trọng như lấy mẫu bề mặt Mặt Trăng, cất cánh trên bề mặt Mặt Trăng, lắp ghép và chuyển mẫu vật trên quỹ đạo Mặt Trăng... Thường Nga-5 đã mang về 1.731 gram mẫu đất từ Mặt Trăng, trở thành sứ mệnh lấy mẫu Mặt Trăng không người lái lớn nhất thế giới.
Thường Nga-6 đã vượt qua các công nghệ chủ chốt như thiết kế và kiểm soát quỹ đạo ngược của Mặt Trăng, thực hiện quy trình lấy mẫu thông minh và nhanh chóng ở mặt khuất Mặt Trăng, cất cánh và bay lên từ bề mặt Mặt Trăng, thực hiện lấy mẫu tự động và quay trở lại, đồng thời thực hiện thăm dò khoa học và hợp tác quốc tế tại bãi đáp.
Ngày 4/6, tàu Thường Nga-6 đã rời bề mặt Mặt Trăng, mang theo các mẫu vật thu thập được từ vùng khuất của Mặt Trăng. Đây là một thành tựu chưa từng có trong lịch sử khám phá Mặt Trăng của con người.
Cơ quan Vũ trụ quốc gia Trung Quốc (CNSA) cho biết tàu lấy mẫu vật đã đi vào quỹ đạo được thiết lập sẵn quanh Mặt Trăng.
Cho đến nay, con người đã thực hiện 10 lần lấy mẫu vật Mặt Trăng, đều ở mặt trước của Mặt Trăng. Tổng thể mặt khuất của Mặt Trăng tương đối cổ xưa hơn so với mặt trước của Mặt Trăng, hơn nữa còn tồn tại bồn địa Aitken, một trong 3 địa mạo của Mặt Trăng, có giá trị nghiên cứu khoa học quan trọng.
Hiện nay, Trung Quốc đang đẩy nhanh dự án khoa học Trạm nghiên cứu Mặt Trăng quốc tế và hy vọng sẽ có thêm nhiều đối tác quốc tế tham gia để cùng nhau mở rộng ranh giới nhận thức của con người, góp phần sử dụng không gian một cách hòa bình.
Trong tương lai, Trung Quốc sẽ phóng Thường Nga-7 và Thường Nga-8, thành lập Trạm nghiên cứu khoa học Mặt Trăng và đạt được mục tiêu đổ bộ lên Mặt Trăng bằng tàu có người lái. Viện sỹ Ngô Vĩ Nhân, Trưởng nhóm thiết kế dự án thám hiểm Mặt Trăng của Trung Quốc, cho biết Thường Nga-7 dự kiến được phóng khoảng năm 2026, nhiệm vụ chính là tìm kiếm bằng chứng về nước trên cực Nam của Mặt Trăng.
Thường Nga-8 dự kiến được phóng vào khoảng năm 2028 với nhiệm vụ chính là khám phá các tài nguyên trên Mặt Trăng và tiến hành các thí nghiệm tái sử dụng tài nguyên.
Với những bước tiến vững chắc, ngành hàng không vũ trụ Trung Quốc đạt được nhiều thành tựu ấn tượng, đánh dấu việc nước này gia nhập hàng ngũ các cường quốc hàng không vũ trụ trên thế giới, đi đầu về phát triển khoa học-công nghệ.