Sau hành trình dài 4,88 tỉ km suốt 9 năm, lần đầu tiên tàu vũ trụ New Horizons đã gửi những hình ảnh đầu tiên về Sao Diêm Vương, tiểu hành tinh xa nhất và ẩn chứa nhiều điều bí ẩn với các nhà khoa học. Theo các kết quả thu thập được từ New Horizons, Sao Diêm Vương được bao phủ hoàn toàn bởi khí metan, nước và núi băng.
Hình ảnh cận cảnh đầu tiên của khu vực gần xích đạo của Sao Diêm vương Ảnh: NASA |
Gây ấn tượng mạnh nhất là bức ảnh cận cảnh đầu tiên của khu vực gần xích đạo của sao Diêm vương, cho thấy những ngọn núi băng cao khoảng 3,3 km. Điều đáng ngạc nhiên là sự thiếu vắng của các miệng “núi lửa” trên bề mặt tiểu hành tinh lớn nhất trong hệ mặt trời này, một dấu hiệu chứng tỏ nó vẫn đang hoạt động về mặt địa chất.
NASA cũng công bố hình ảnh mặt trăng lớn nhất của sao Diêm vương, mang tên Charon, cho thấy một dải các vùng lõm và vách đá kéo dài khoảng 1.000 km trên bề mặt. Có giả thuyết cho rằng đó là sự nứt gãy mở rộng trên vỏ tinh cầu của Charon, nhiều khả năng là kết quả của một quá trình địa chất nội tại.
Video: Cận cảnh Sao Diêm Vương gây chấn động giới khoa học |
Sao Diêm Vương có đường kính 2.370km, lớn hơn nhiều so với ước tính trước đây. Như vậy, Sao Diêm Vương chính thức là “tiểu hành tinh” lớn nhất trong Hệ Mặt Trời, danh hiệu mà trước đây thuộc về tiểu hành tinh Eris – thuộc vành đai Kuiper bao ngoài cùng Hệ Mặt Trời. Với kích thước lớn hơn, các nhà khoa học dự đoán tiểu hành tinh này sẽ có nhiều băng và ít đá hơn so với ước tính trước đây.
Việc tiếp cận Sao Diêm Vương có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với các nhà khoa học trong việc xâu chuỗi quá trình hình thành của tiểu hành tinh này cũng như cả Hệ Mặt Trời, bởi Sao Diêm Vương được xem là tàn dư hóa thạch của giai đoạn đầu hình thành Hệ Mặt Trời.
Minh Châu (t/h)
Xem thêm:
- Những sự kiện thiên văn học nào đáng chú ý nửa cuối tháng 7?
- Những hình ảnh mới của sao Diêm Vương: Sứ mệnh 10 năm bay của tàu New Horizons