Tại hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống dịch COVID-19 diễn ra sáng ngày 19/2, TS Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết trong vòng một tháng qua số ca mắc mới trên thế giới đã giảm 44,5%, mức giảm lớn nhất và kéo dài nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu. Tuy nhiên đây là số mắc giảm trên nền gia tăng rất cao, khoảng 400.000 người mắc/ngày.
Việt Nam đứng thứ 172 trên thế giới, thứ 41 Châu Á và thứ 7 Đông Nam Á về số ca mắc COVID-19.
TS Đặng Quang Tấn cũng cho biết, thế giới cũng tiếp tục ghi nhận các biến chủng mới của virus SARS- CoV-2. Đến nay, hơn 90 quốc gia đã ghi nhận biến chủng mới của Anh, hơn 40 nước ghi nhận biến chủng từ Nam Phi. Trong đó, bước đầu đã có bằng chứng về đột biến (E484K) có liên quan đến việc tăng khả năng lây truyền và giảm đáp ứng miễn dịch của người mắc.
Thông tin tại hội nghị cũng cho biết, đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 4 biến chủng gồm:
+ D614G từ Châu Âu (dịch tại Đà Nẵng)
+ B.1.1.7 từ Anh đang gây dịch tại Hải Dương
+ B.1.351 từ Nam Phi trên bệnh nhân người Nam Phi (BN1422), nhập cảnh sânbay Nội Bài từ Nam Phi ngày 19/12/2020.
+ A.23.1 từ Rwanda, châu Phi tại Sân bay TSN, Hồ Chí Minh
Trong đợt dịch thứ 3, từ ngày 25/1 đến nay, nước ta đã ghi nhận 755 ca mắc tại 13 tỉnh, thành. Trong số ca bệnh ghi nhận nhiều nhất tại Hải Dương là 575 trường hợp.
Theo TS Đặng Quang Tấn có một số điểm khác biệt của ổ dịch tại Hải Dương và Đà Nẵng.
Cụ thể:
- Số ca mắc tại Hải Dương đến nay là 575 trường hợp, đã vượt xa so với tổng số ca mắc tại Đà Nẵng (389 trường hợp).
- Số ca mắc trung bình trong 20 ngày đầu tiên của Hải Dương là 20 ca/ngày cao hơn so với Đà Nẵng (15 ca/ngày). Ngày nhiều nhất ghi nhận 77 ca bệnh.
- Dịch bệnh tại Hải Dương xảy ra tại những cụm công nghiệp có số lượng công nhân rất lớn.
Trong 2 tuần đầu tiên, số ca mắc tại Đà Nẵng đã có xu hướng giảm trong khi Hải Dương vẫn chưa rõ xu hướng và đồng thời đã xuất hiện các ổ dịch trong cộng đồng. Số lượng còn lại phải cách ly tập trung rất lớn.
- Biến chủng virus tại Hải Dương là biến thể Anh B.1.1.7 có khả năng lây lan nhanh hơn virrus gây dịch tại Đà Nẵng (biến thể châu Âu D614G).
Có 5 ổ dịch lớn gồm: thành phố Chí Linh, huyện Cẩm Giàng, thị xã Kinh Môn, huyện Nam Sách và thành phố Hải Dương. Trong 3 ngày gần đây Hải Dương ghi nhận 74 trường hợp mắc. Các ca bệnh chủ yếu được ghi nhận tại các khu vực cách ly.
Đà Nẵng mất 36 ngày để có khoanh vùng và dập được dịch
Số trường hợp F1 cần cách ly của Hải Dương cũng vượt xa Đà Nẵng, ngay từ đầu đã phải cách ly 2340 công nhân.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cũng cho biết thêm Hải Dương hiện “đi đầu” số người mắc, trung bình mỗi ngày hơn 20 ca. Đến nay đã hơn 20 ngày, nhưng số mắc vẫn rất cao. Hai ngày nay mỗi ngày địa phương ghi nhận 18 ca bệnh. Trong ngày đầu tiên, Hải Dương ghi nhận 77 ca, sau đó là 48.
“Số ca COVID-19 mới tại Hải Dương vẫn rất cao. Tình hình tại đây vẫn rất phức tạp”- PGS. TS Lương Ngọc Khuê nói.